Ảnh minh họa.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp viễn thông để triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn SIM rác hoành hành trên thị trường.
Dù vậy, nhiều người dân phản ánh rằng họ vẫn thường xuyên nhận được các cuộc gọi, tin nhắn rác với nội dung vay tiền, giới thiệu sản phẩm, thậm chí còn liên quan đến mại dâm.
Trên cơ sở phản ánh này, những đơn vị của Bộ TT&TT gồm Cục Viễn thông, Cục ATTT và các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức sàng lọc, xác thực, chuyển hơn 30.000 phản ánh về cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị của Bộ Công an để phối hợp, điều tra xử lý.
Bên cạnh những biện pháp xử lý, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Đồng thời, Bộ cũng thúc đẩy tăng cường triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Theo ghi nhận từ Bộ TT&TT, trong 06 tháng đầu năm 2023, tổng đài 5656/156 đã tiếp nhận hơn 570.000 lượt phản ánh từ người dân. Trong đó, có hơn 104.000 phản ánh về các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn, cuộc gọi rác. Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông chặn, khóa 31.000 thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác. Trong 6 tháng đầu năm 2023, hơn 291 triệu tin nhắn rác đã bị chặn.
QUÝ NGUYÊN
Hà Nội yêu cầu công khai 100% hồ sơ thủ tục hành chính để dân giám sát