/ Pháp luật - Đời sống
/ Hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch khi sáp nhập huyện xã

Hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch khi sáp nhập huyện xã

13/09/2023 19:02 |

(LSVN) – Vừa qua, Bộ Tư pháp đã có Công văn 3792/BTP-HTQTCT ngày 21/8/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Trong đó, Bộ Tư pháp hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.


Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, các vướng mắc có thể phát sinhtrong lĩnh vực hộ tịch khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bao gồm:

- Chưa xác định được cơ quan lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng Sổ hộ tịch sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính;

- Chưa xác định được cơ quan có trách nhiệm xác minh/xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân đối với trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại đơn vị hành chính đã được sắp xếp.

Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030,Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện thống nhất theo hướng:

Thứ nhất, về việc lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng Sổ hộ tịch:

Trường hợp một hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập (các đơn vị được sáp nhập) vào một đơn vị hành chính cấp xã khác (đơn vị sáp nhập): Các đơn vị được sáp nhập cần thực hiện khóa Sổ hộ tịch đang sử dụng; thống kê, sắp xếp và bàn giao toàn bộ Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch cho đơn vị sáp nhập để lưu trữ. Việc đăng ký hộ tịch, bao gồm cả đăng ký mới sẽ tiếp tục sử dụng Sổ hộ tịch hiện có của đơn vị sáp nhập, không thay đổi số thứ tự đăng ký.

Trường hợp sáp nhập hai hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp xã (các đơn vị được sáp nhập) để thành lập một đơn vị hành chính cấp xã mới (đơn vị mới): Các đơn vị được sáp nhập cần thực hiện khóa Sổ hộ tịch đang sử dụng; thống kê, sắp xếp và chuyển giao toàn bộ Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch để lưu trữ tại đơn vị mới. Việc đăng ký hộ tịch tại đơn vị mới sẽ mở Sổ hộ tịch mới, quyển số 01, ghi số thứ tự đăng ký từ số 01.

Trường hợp tách toàn bộ diện tích và nhân khẩu của một đơn vị hành chính cấp xã ra làm nhiều phần (đơn vị được tách) và sáp nhập vào các đơn vị hành chính cấp xã khác nhau (các đơn vị sáp nhập): Đơn vị được tách thực hiện khóa Sổ hộ tịch đang sử dụng; thống kê, sắp xếp toàn bộ Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch để bàn giao, lưu trữ tại đơn vị sáp nhập có phần lớn diện tích, nhân khẩu nhập vào. Đơn vị sáp nhập nhận bàn giao bản gốc Sổ hộ tịch có trách nhiệm sao 01 bản cho các đơn vị sáp nhập khác lưu trữ để làm căn cứ cấp Trích lục hộ tịch bản sao từ Sổ hộ tịch đăng ký tại đơn vị được tách trước đây và giải quyết các công việc hộ tịch khác khi người dân có yêu cầu.

Việc bàn giao Sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch phải được lập Biên bản bàn giao, có Danh mục thống kê chi tiết để lưu trữ tại cơ quan nhận bàn giao và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý, tổng hợp và công khai thông tin để người dân biết, liên hệ với cơ quan quản lý sổ hộ tịch để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch phù hợp.

Thứ hai, về việc xác minh tình trạng hôn nhân: Trường hợp nhận được văn bản đề nghị xác minh tình trạng hôn nhân của người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại đơn vị cấp xã/cấp huyện đã được sắp xếp, thì đơn vị nhận bàn giao Sổ hộ tịch có trách nhiệm trả lời việc xác minh tình trạng hôn nhân cho người dân đã từng đăng ký thường trú tại địa bàn.

DUY ANH

Những loại giấy tờ được tích hợp vào VNeID và CCCD gắn chip

Bùi Thị Thanh Loan