LSVNO – Đình Lạc Giao chính là nơi chứng kiến lời nguyền giao ước, nơi an cư lạc nghiệp của đồng bào kinh với đồng bào thượng. Đây cũng là nơi mà tình anh em Kinh, Thượng thể hiện tình đoàn kết để xây dựng vùng đất mới.
Chứng nhân Lạc Giao
Từ những năm 1900 trở đi, khi thực dân Pháp đã đặt bộ máy hành chính ở Buôn Đôn và bắt đầu thi hành một số chính sách chia rẽ các dân tộc với âm mưu là chia để trị, để phục vụ mưu đồ chính trị lâu dài, ngăn cách làn sóng cách mạng từ các tỉnh đồng bằng lên với chiêu bài “Đất thượng của người thượng” để dễ bề cai trị và vơ vét bóc lột.
Khi tên công sứ Sabatier rời khỏi Đắk Lắk (1914-1945), tên công sứ Salamon lên nắm chính quyền ở Buôn Ma Thuột thì Đình Lạc Giao có tên là “Lạc Sa” hay còn gọi là Lạc Giao Lạc Sa. Sau này nhân dân Lạc Giao chỉ gọi một tên chung là Lạc Giao và cái tên Đình Lạc Giao xưa vẫn còn cho đến nay.
Chính đình Lạc Giao vẫn còn lưu giữ những vết tích của thời gian.
Đắk Lắk là một trung tâm chính trị ở vùng Tây Nguyên, dưới thời thực dân Pháp và những năm đầu của “Ngụy quyền Ngô Đình Diệm” đều chú ý đến vùng đất này. Địch cố tìm mọi cách để nắm lấy Đắk Lắk, nắm lấy đồng bào các dân tộc ít người để làm chỗ dựa lâu dài và bóc lột sức người, sức của và tiềm năng kinh tế. Trong kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là thời gian đầu của thế kỷ, những người dân Việt Nam phải sống dưới chế độ hà khắc, phu phen tạp dịch và làm nô lệ trong các đồn điền hầm mỏ nhà máy. Những sự bất công đó đã nảy nở ý thức giác ngộ trong số cán bộ yêu nước và họ đứng vào hàng ngũ cách mạng lãnh đạo các phong trào như Phan Đình Phùng 1885-1895, Phan Bội Châu 1900-1917, Hoàng Hoa Thám 1883-1895 và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 là tiếng vang cuối cùng của một chặng đường cứu Nước ở Việt Nam.
Cùng với các phong trào rầm rộ ở đồng bằng ngày càng lan rộng khắp nơi thì ở Tây Nguyên một địa bàn chiến lược quan trọng mà từ lâu thực dân Pháp đã đặt ách thống trị và khai thác tài nguyên giàu có, chế độ bắt sưu bắt lính đã đưa các dân tộc Đắk Lắk đến mức bần cùng hoá cuộc sống tối tăm làm nô lệ cho chủ đồn điền Pháp. Đồng bào các dân tộc ít người vốn có truyền thống chống ngoại xâm từ trước cách mạng tháng 8, cuộc khởi nghĩa của hai thầy giáo tiến bộ người Êđê tên là Y Rít Niê và Y Jút H’Wing lãnh đạo đấu tranh chống chế độ sưu thuế và chính sách đàn áp bóc lột trắng trợn của thực dân Pháp và lên án tên công sứ Salachie. Đặc biệt hơn nữa là cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơng kéo dài từ năm 1912-1935 tiêu biểu cho tinh thần bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm của các dân tộc trong tỉnh nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Với làn sóng cách mạng ngày càng lan rộng khắp các tỉnh Bắc, Trung, Nam đã làm cho bọn thực dân Pháp ở Tây Nguyên hoang mang, ở Đắk Lắk chúng đã đưa một số chính sách cai trị ngăn cản cuộc đấu tranh của các phong trào từ đồng bằng lên và kìm hãm sự phát triển xã hội của dân tộc Đắk Lắk.
Đình Lạc Giao được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Nơi chứng kiến tình đoàn kết Kinh - Thượng vĩnh hằng
Nhưng thực dân Pháp càng hạn chế bao nhiêu thì các dân tộc càng gắn bó đoàn kết bấy nhiêu, thể hiện qua các cuộc đấu tranh do các tù trưởng dân tộc lãnh đạo. Chính sách đóng cửa chia để trị của thực dân đã tạo nên sức mạnh đoàn kết giữa người Kinh và người Thượng gắn bó hoà hợp, thuỷ chung, xây dựng làng Lạc Giao. Lúc đầu người Kinh lên Buôn Ma Thuột chủ yếu là để giao lưu buôn bán, đổi lâm thổ sản, lúc này số người Kinh khoảng 3 - 50 người. Tuy nhiên, vì chính sách của Pháp lúc này hạn chế người Kinh lên Buôn Ma Thuột, nâng đỡ đồng bào dân tộc khắc khe người Kinh, gây chia rẽ Kinh, Thượng.
Sau năm 1924, làng Lạc Giao được hình thành do ông Phan Hộ, người Quảng Ngãi làm lý trưởng thì số dân Kinh lúc này lên tới gần 100 người. Theo phong tục tập quán của người Kinh xưa thì dân đi đến đâu đều lập nên một đền thờ cầu nguyện cho các linh hồn phù hộ cuộc sống, là nơi làm ăn phát đạt của người dân và cũng là điểm hội tụ, nơi giao lưu buôn bán giữa người Kinh và người Thượng. Năm 1928 Đình Lạc Giao được thành lập. Đình được dựng lên lúc đầu chỉ là tranh tre mái lá rất sơ sài.
Đến năm 1933 Đình được xây dựng lại bằng gỗ, tường xây gạch, lợp ngói vẩy, sàn làm bằng gỗ, có chạm trổ long ly quy phượng, chạm khắc hổ phù nghiêm trang và đẹp. Kinh phí xây dựng đều do nhân dân làng Lạc Giao quyên góp. Tháng 8/1945 có sửa chữa lại các bức tường, lợp ngói ximent trị giá 300 kg gạo. Tháng 2/1968 bom làm sập một góc đình, làm lại nền ximent, lợp ngói máy trị giá 700 kg gạo. Tháng 3/1975 địch thả bom làm cháy đình, có sữa chửa và xây dựng lại trị giá 150kg gạo.
Ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Đắk Lắk, nhân dân các dân tộc cũng đã nhanh chóng đứng lên chống xâm lược, bảo vệ quê hương, bảo vệ buôn làng. Các cuộc khởi nghĩa nối tiếp nhau bùng nổ đã chứng minh truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Quang cảnh Đình Lạc Giao, một điểm đến lý tưởng để tìm hiểu tinh thần đoàn kết Kinh - Thượng.
Trên thực tế các dân tộc Tây Nguyên đang ở trong một trình độ xã hội còn thấp, sinh sống trên một miền đất rộng người thưa, gồm nhiều bộ tộc phân tán độc lập. Từ những ngày đầu chiến tranh chống xâm lược bảo vệ cuộc sống, bảo vệ quê hương đất nước, giữa dân tộc ít người và dân tộc đông người đã có sự gắn bó chặt chẽ với nhau vì sự sống còn của cả cộng đồng các dân tộc anh em trước nạn ngoại xâm.
Chúng ta thấy với chính sách “Chia để trị” chính sách “Đóng cửa” của thực dân Pháp nhằm chia rẽ đồng bào Kinh, Thượng đã khoét sâu thêm những mâu thuẫn vốn có giữa miền xuôi và miền ngược. Nhân dân làng Lạc Giao đã gắn bó thuỷ chung, xây dựng vùng đất mới, đoàn kết với các dân tộc chống giặc ngoại xâm.
Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, nhất là khi các chiến sĩ cộng sản bị thực dân đày biệt xứ tại Nhà lao Buôn Ma Thuột, ánh sáng của cách mạng mới có dịp soi rọi đến buôn làng, từng dân tộc Đắk Lắk, nên truyền thống đoàn kết, chiến đấu ngày càng được mở rộng và càng được nhân lên gấp bội.
Lam Sơn