/ Tin tức
/ Bộ Tư pháp tập huấn về tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cho Luật sư, tư vấn viên tại khu vực phía Bắc

Bộ Tư pháp tập huấn về tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cho Luật sư, tư vấn viên tại khu vực phía Bắc

10/04/2024 19:08 |

(LSVN) - Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU JULE), từ ngày 09 - 11/4/2024, Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp đã phối hợp với UNICEF, Việt Nam tổ chức “Lớp tập huấn về tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cho luật sư, tư vấn viên pháp luật có kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người chưa thành niên” tại khu vực phía Bắc.

Về phía Bộ Tư pháp, bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng, Cục Bổ trợ tư pháp tham dự và chủ trì lớp tập huấn. Bà Nguyễn Thanh Trúc - Chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF tới tham dự và đồng chủ trì Lớp tập huấn. Tham gia trao đổi tại lớp tập huấn là những chuyên gia nước ngoài, chuyên gia Dự án, chuyên gia bảo vệ trẻ em, người có nhiều kinh nghiệm trong Hỗ trợ xây dựng chính sách/pháp luật, nghiên cứu, đánh giá, tập huấn, thiết kế dự án ở nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời cũng là Luật sư có kinh nghiệm tranh tụng tại Canada và Nam Phi.

Nội dung tập huấn đã tập trung chia sẻ các đặc thù của người chưa thành niên như khác với người trưởng thành, người chưa thành niên còn đang trong quá trình phát triển, cả về thể chất và tâm lý. Điều đó giải thích vì sao người chưa thành niên chưa có đủ năng lực và kỹ năng như người lớn để tránh rủi ro và nguy hiểm, vì sao các em lại có cách ứng xử, giải quyết vấn đề, ra quyết định khác với người trưởng thành. Các chuyên gia cũng đưa ra các nghiên cứu khoa học để cho thấy rằng trong hầu hết các trường hợp, giai đoạn cư xử mạo hiểm, thử nghiệm những điều mới mẻ, thách thức quyền uy như vậy sẽ không kéo dài. Cùng với sự trưởng thành, định hình nhân cách, những cách ứng xử này sẽ chấm dứt. Nhận thức được những sự khác biệt cơ bản giữa người chưa thành niên và người thành niên, công ước quốc tế yêu cầu thiết lập một hệ thống riêng biệt, với cách tiếp cận riêng, mang tính cá thể hóa để giải quyết những trường hợp vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc lồng ghép tư pháp cho người chưa thành niên vào tiến trình cải cách tư pháp và luật pháp của đất nước, đặc biệt phải kể đến việc hình thành Tòa gia đình và người chưa thành niên với tư cách là tòa chuyên trách cho người chưa thành niên và những nỗ lực xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đồng thời, bên cạnh việc tập huấn tăng cường các kỹ năng tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cho Luật sư, tư vấn viên pháp luật có kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người chưa thành niên thì các chuyên gia cũng đề cập thẳng thắn về vấn đề trẻ em vi phạm pháp luật xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trẻ em là những người có nhận thức về pháp luật còn có nhiều hạn chế, đồng thời sự phát triển về tâm sinh lý ở mỗi độ tuổi sẽ có điểm khác nhau, do đó, cách hành xử của trẻ em trong từng tình huống cũng sẽ khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi, hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể. Do nhận thức về pháp luật hạn chế nên trẻ em dù vi phạm pháp luật hay là nạn nhân của vi phạm pháp luật đều là đối tượng yếu thế trong xã hội và cần nhận được sự hỗ trợ pháp lý tốt hơn so với người trưởng thành thông thường. Hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nước cũng như một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế trong đó có trẻ em. Việc hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng này có nhiều đặc thù so với đối tượng thông thường khác đòi hỏi người hỗ trợ pháp lý ngoài kỹ năng thông thường cần phải có thêm kiến thức, hiểu biết về đặc thù riêng có của các nhóm đối tượng này.

Lớp tập huấn cũng đã tạo ra một diễn đàn để các Luật sư và chuyên gia trao đổi về thực tiễn công tác tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cho Luật sư, tư vấn viên pháp luật có kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người chưa thành niên hiện nay và những vướng mắc thường gặp như: Trong thời gian qua, hầu hết các vụ việc liên quan đến nhóm yếu thế này được thực hiện bởi Luật sư, tư vấn viên pháp luật hay trợ giúp viên pháp lý nhưng đa phần được thực hiện dựa trên kinh nghiệm thực tế, chưa có sự nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý đối tượng, cách tiếp cận đối tượng và cách gợi mở thông tin để từ đó có sự tư vấn hoặc hỗ trợ pháp lý một cách tốt nhất cho họ. Các Luật sư, tư vấn viên cũng chưa được đào tạo bài bản để có thể thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong việc hỗ trợ pháp lý cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Hay kể cả khái niệm tư vấn pháp luật thân thiện thì cũng chưa hiểu đúng và sử dụng thường xuyên trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư, tư vấn viên.

Các học viên tham dự lớp tập huấn đều đánh giá cao và khẳng định nội dung  tập huấn  giúp các học viên hiểu sâu sắc hơn về những đặc trưng trong quá trình phát triển của người sắp thành niên, tác động của quá trình này tới các hành vi vi phạm pháp luật của các em, đồng thời, thảo luận sâu về quyền được bào chữa và trợ giúp pháp lý thân thiện của người chưa thành niên. Đặc biệt, tại Lớp tập huấn các học viên còn được trang bị những kỹ năng cơ bản để giao tiếp với thân chủ là người chưa thành niên, cũng như đi sâu tìm hiểu vai trò của Luật sư trong việc bảo vệ và đại diện cho người chưa thành niên phạm tội trong suốt quá trình tố tụng, từ điều tra, chuẩn bị xét xử, xét xử, thậm chí kể cả sau khi vụ án đã được xét xử xong. Từ đó phát huy vai trò của Luật sư trong tiếp cận tư pháp cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật và thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước, đó là mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận với dịch vụ pháp lý nói chung và việc hỗ trợ pháp luật cho nhóm đối tượng yếu thế nói riêng. Luật sư phải tăng cường trách nhiệm xã hội của mình, có trách nhiệm “mang pháp luật” đến cho những người yếu thế, trong đó có trẻ em - là một trong các đối tượng đặc biệt được ưu tiên.

Theo danchuphapluat.vn

Đoàn Luật sư TP. HCM tổ chức lớp tập huấn cho người tập sự tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư đợt 1/2024

Nguyễn Hoàng Lâm