Ảnh minh hoạ.
Vừa qua, thông tin báo chí phản ánh một trường hợp học sinh học lớp 12 tại Hà Nội bị Sở Tư pháp thu hồi giấy khai sinh. Gia đình có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam cho cháu nhưng đến nay chưa thể thực hiện trong khi đang học lớp cuối cấp.
Trả lời về trường hợp này, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, đây là trường hợp học sinh T.H.N, được sinh ra tại Trung Quốc, được đăng ký và cấp giấy khai sinh tại Trung Quốc. Năm 2008, Sở Tư pháp Hà Nội cấp giấy khai sinh cho cháu T.H.N không đúng quy định tại Điều 55 Nghị định 158/2005, văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đó.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Bộ Tư pháp là một cơ quan thuộc Chính phủ, có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý về vấn đề quốc tịch, phối hợp cùng các cơ quan có liên quan khác để giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc tịch. Liên quan đến trường hợp của cháu T.H.N, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực đã có nhiều công văn trả lời cho chính đương sự về việc làm thủ tục hồ sơ xin nhận quốc tịch Việt Nam. Với trách nhiệm, chức năng và thẩm quyền của mình, Cục đã có văn bản hướng dẫn chi tiết. Hiện tại, hồ sơ của cháu đang thiếu thẻ thường trú do Cơ quan Công an cấp.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội có công văn gửi Bộ Tư pháp đề xuất miễn thẻ thường trú cho cháu. Tuy nhiên, theo ông Hải, “Bộ Tư pháp không có thẩm quyền miễn thẻ thường trú này. Bộ Tư pháp chỉ là cơ quan phối hợp với các cơ quan để giải quyết các vụ việc liên quan đến quốc tịch chứ không có thẩm quyền miễn”.
Về nguyện vọng của người dân, ông Hải nhấn mạnh người dân cần đáp ứng đúng các yêu cầu theo quy định pháp luật trong hồ sơ xin nhập quốc tịch. Chức năng giải quyết của Bộ, ngành nào, người dân cần đến Bộ, ngành đấy.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã có công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương hướng dẫn đương sự. Đối với vấn đề quốc tịch có ảnh hưởng đến thành tích học tập hay không, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi sang Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PV