/ Tích hợp văn bản mới
/ Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014

Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014

05/10/2021 03:06 |

(LSVN) - Bộ Xây dựng đang đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa. 

Bộ Xây dựng cho biết Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. Qua hơn 6 năm thực hiện, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện do một số quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được sửa đổi, bổ sung tại các luật có liên quan khác, một số quy định đến nay đã không còn phù hợp với thực tế hoặc pháp luật nhà ở còn thiếu quy định, chưa điều chỉnh được hết các vấn đề xảy ra trong thực tiễn.

Cụ thể, về chính sách sở hữu nhà ở có các tồn tại, hạn chế như một số quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở còn chưa đầy đủ. Qua rà soát và đối chiếu với pháp luật hiện hành cho thấy một số quy định pháp luật liên quan đã có sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu đối với tài sản là nhà ở. Do đó, Luật Nhà ở cũng cần thiết phải được rà soát, sửa đổi bổ sung để bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở và phù hợp, thống nhất với pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, pháp luật về nhà ở chưa có quy định về thời hạn sở hữu của nhà chung cư.

Đối với quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Luật Nhà ở 2014 chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong dự án nhà ở thương mại mà chưa có quy định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài có được phép nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hay không (không quy định rõ cấm hay được phép). Điều này dễ dẫn đến tình trạng lách luật để đầu tư, mua đi bán lại nhà ở. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định cụ thể rõ ràng về việc không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán để tránh tình trạng kinh doanh, đầu cơ nhà ở...

Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Nhà ở là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; luật hóa các quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng bảo đảm an sinh xã hội.

YÊN NHI

Đồng Nai: Bỏ giấy đi đường từ nhà đến doanh nghiệp đối với người lao động

Nguyễn Mỹ Linh