Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/2025/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất sẽ quản lý đối với 13 doanh nghiệp trực thuộc.
Trong đó, có 08 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Xi măng Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị; Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC); Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam; Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản GTVT; Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng.

Ảnh minh hoạ.
5 doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu gồm: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (vốn nhà nước 97,88%); Tổng công ty xây dựng Hà Nội - CTCP (vốn Nhà nước 98,83%); Tổng công ty Viglacera - CTCP (vốn Nhà nước 38,58%); Tổng công ty Cơ khí xây dựng - CTCP (vốn Nhà nước 98,76%); Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP (vốn Nhà nước 36,62%).
Trong số 08 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy hiện đang phải xử lý theo hướng phá sản, thu hồi tài sản, quyền tài sản của công ty mẹ và 07 công ty con; tiếp tục xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc SBIC theo quy định.
Ngoài xây dựng, kiến trúc, hạ tầng, Bộ Xây dựng quản lý 05 lĩnh vực giao thông vận tải: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không dân dụng. Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng và các lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước.