LSVNO - Sau khi được cổ phần hóa, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã để xảy ra nhiều sai phạm, một số lãnh đạo nhà nước bị kỷ luật. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, những sai phạm vẫn tiếp tục tồn tại gây bức xúc dư luận. Dường như, những sai phạm tại đơn vị này đã vượt khỏi tầm kiểm soát, có biểu hiện coi thường kỷ cương phép nước?
Thời điểm ACV được cổ phần hóa, tại giai đoạn đó, trong dư luận đã dấy lên những lo ngại về việc nguồn lợi thu được từ hoạt động các cảng hàng không nhà nước sẽ bị “chảy máu” và nguy cơ “nhóm lợi ích” sẽ từ đó hình thành…
Sau khi cổ phần hóa thành công, ACV đã đầu tư nhiều khoản thua lỗ cho đến việc không trung thực trong báo cáo thu, chi…? Tuy nhiên, những lãnh đạo liên quan tại ACV vẫn “bình yên trong tâm bão”, ung dung trước sức nóng của phong trào chống tham nhũng đang diễn ra(!).
Đáng nói, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, chi nhánh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng sân bay đường dẫn vào nhà ga đối với ô tô đưa đón, trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền thuế sử dụng đất từ năm 2012 - 2015 với số tiền hơn 550 tỷ đồng. Từ đó, Kết luận Thanh tra Chính phủ khẳng định, trách nhiệm này thuộc về ACV.
Sai phạm được điểm mặt chỉ tên như vậy, thế nhưng tại một số cảng hàng không vẫn tiến hành thu phí như chưa có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Phải chăng đây là biểu hiện của coi thường kỷ cương phép nước?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị Bộ Chính trị đưa ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo.
Mới đây, ngày 19/7/2019, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông Ninh bị kỷ luật do đồng ý chủ trương cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam.
Cụ thể, trong quá trình phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016, ông Ninh đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn; bán phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh; đồng ý chủ trương để Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà sau khi nhận chuyển giao Công ty cổ phần cảng Nha Trang tiếp tục được thoái vốn nhà nước theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; đồng ý chủ trương cổ phần hoá Công ty mẹ - ACV (doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hoá)…
Bên cạnh đó, Ban Bí thư cũng quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 – 2021.
Nguyên nhân do ông Nguyễn Hồng Trường đã ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ GTVT, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa,… không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp.
Ông Trường cũng đồng ý cho ACV thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của Chính phủ; thiếu kiểm tra, để các doanh nghiệp được phân công phụ trách vi phạm, khuyết điểm gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT.
Như vậy có thể thấy, việc cổ phần hoá ACV là việc làm “cố đấm ăn xôi” bởi doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hoá. Sau khi được cổ phần hóa, đã không có sự giám sát, kiểm tra để những sai phạm đã liên tiếp xảy ra, đi theo đó là nhiều tỷ đồng ngân sách nhà nước không cánh mà bay.
Thời gian qua, Luật sư Việt Nam Online đã thông tin tới bạn đọc Kết luận Thanh tra của Bộ Tài chính về kết quả thanh tra tài chính tại ACV. Kết luận thanh tra đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm của ACV về tài chính tại ACV.
Những sai phạm thể hiện dấu hiệu những chiêu trò, ma trận để trốn thuế nhằm trục lợi như: tự ý xóa nợ nhiều tỷ đồng không đúng quy định; hạch toán tăng chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định; trốn nghĩa vụ ngân sách nhà nước để trục lợi; bắt tay công ty không rõ năng lực trúng thầu nhằm trục lợi; chi phí tăng do lập thẩm định và phê duyệt dự toán chưa đúng… gây thất thoát nhiều tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, sau hàng loạt những sai phạm về tài chính và cả việc những sai phạm tại một số dự án thì ACV lại được Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng ý làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Chính điều này càng khiến cho dư luận hoài nghi về những bài học mà ACV để lại trước đó tại những dự án mà đơn vị này gây ra dường như vẫn chỉ là bài học nhãn tiền đối với Bộ GTVT và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp?
Tại Kết luận Thanh tra của Bộ Tài chính yêu cầu cần làm rõ những khoản đầu tư tài chính dài hạn của ACV và các công ty con dẫn đến việc thua lỗ có dấu hiệu không minh bạch.
Cụ thể, tại 2 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn, giá trị đầu tư tại thời điểm 31/12/2017 là hơn 2.722,8 tỷ đồng. ACV đầu tư hơn 2.434,5 tỷ đồng (chiếm 11,18% vốn điều lệ) vào một số công ty con; bảy công ty liên kết; bốn danh mục đầu tư khác. Tại thời điểm ngày 31/12/2017 lỗ lũy kế là hơn 21,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) thuộc ACV. Tại thời điểm ngày 31/12/2017 đã đầu tư dài hạn hơn 288,3 tỷ đồng vào 13 công ty. Năm 2017, có ba công ty hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả.
Kết luận đã chỉ rõ cùng với đó là những kiến nghị và đã có một số lãnh đạo bị kỷ luật, thế nhưng điều khiến dư luận hoài nghi là liệu ACV có phải là vùng cấm đối với phong trào chống tham nhũng? Hàng loạt sai phạm tại ACV có phải chỉ hai lãnh đạo trên phải chịu trách nhiệm, hay còn ai đang ẩn nấp đằng sau? Cùng với đó, những khoản tài chính sai phạm của ACV sẽ được xử lý ra sao? Bộ GTVT có vai trò gì đối với những sự việc xảy ra tại ACV?...
Thiết nghĩ, cần sớm có biện pháp xử lý nghiêm, công khai đối với ACV, tránh để xảy ra tình trạng thanh tra theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” gây hoang mang trong dư luận, mất lòng tin nhân dân.
Phạm Sỹ