/ Kinh tế - Pháp luật
/ Bộ Y tế báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2023

Bộ Y tế báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2023

22/10/2024 11:30 |

(LSVN) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có Báo cáo số 655/BC-CP của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2023.

Theo đó, Báo cáo số 655/BC-CP nêu rõ, tính đến ngày 31/12/2023, có khoảng 93,628 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,8% so với năm 2022, đạt tỉ lệ bao phủ khoảng 93,35% dân số tham gia BHYT, tăng 0,15% so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội.

Về thu Quỹ BHYT, trong năm 2023, số thu tiền đóng BHYT năm ước đạt 126.405,4 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng là 45.435,6 tỉ đồng, bằng 35,94 % tổng số thu tiền đóng BHYT.

Tính đến ngày 31/12/2023, số nợ đóng BHYT chậm đóng tính lãi BHYT là 777,8 tỉ đồng, tăng 77,8 tỉ đồng so với năm 2022, chiếm 0,615% tổng số phải thu BHYT.

Năm 2023, số đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng tăng 1.052.053 người so với năm 2022. Nguyên nhân là do Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đã bổ sung ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng cho một số đối tượng.

Các trường hợp trên bao gồm người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thiền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Về chi Quỹ BHYT, tổng số chi trong năm 2023 khoảng 140.000 tỉ đồng. Trong đó, về chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, số ước chi năm 2023 dự kiến được quyết toán là 124.300 tỉ đồng (bao gồm chi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành và chi chăm sóc sức khỏe ban đầu).

Vượt tổng dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã giao cho BHXH các tỉnh, thành phố (bao gồm dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao 114.536 tỉ đồng và Tổng Giám đốc BHXH bổ sung 3.666 tỉ đồng) khoảng 6.098 tỉ đồng.

Số chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT phát sinh trước năm 2023 được Hội đồng Quản lý BHXH thông qua quyết toán vào năm 2023 là 10.953,8 tỉ đồng, gồm:

Chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT vượt dự toán do nguyên nhân khách quan tổng hợp tại quyết toán ngành năm 2022 là 2.405,3 tỉ đồng.

Chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT vượt dự toán do nguyên nhân khách quan tổng hợp tại quyết toán ngành năm 2021 là 245,5 tỉ đồng.

Chi phí vướng mắc về nghiệp vụ được thanh toán lại sau khi có ý kiến của Bộ Y tế, Thanh tra, chi phí vượt quỹ, vượt trần, vượt dự toán sau khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp đủ hồ sơ trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT từ năm 2022 trở về trước là 1.204,1 tỉ đồng.

Chi phí vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP các năm 2019, 2020, 2022 được thanh toán theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, với số tiền 7.098,9 tỉ đồng.

Ngoài số chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong năm 2023, còn chi cho phí quản lý Quỹ BHYT hơn 3.900 tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước cấp trùng thẻ gần 1,4 tỉ đồng; chi để lại tại BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân (do số thu lớn hơn số chi)...

Cũng theo Báo cáo số 655/BC-CP, Quỹ BHYT được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật BHYT năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Nghị định số 105/2014/NĐ- CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật BHYT. Quỹ do BHXH Việt Nam trực tiếp quản lý, Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với Quỹ.

Nguồn thu của Quỹ từ đóng BHYT theo tỉ lệ phần trăm (%) tính trên tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp, hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính; và các nguồn thu hợp pháp khác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT cho các đối tượng tối đa bằng 6% tiền lương tháng, hoặc mức lương cơ sở tùy từng đối tượng. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đang quy định là 4,5%.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2023, cân đối Quỹ BHYT dương 48.366 tỉ đồng, quỹ vẫn đảm bảo cân đối và có số kết dư.

Từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng; và từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, dẫn đến số thu tiền đóng BHYT trong năm cũng tăng theo.

Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam, và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán cụ thể báo cáo thuyết phục về vấn đề mệnh giá BHYT để xử lý căn cơ, lâu dài trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh tăng số tiền đóng BHYT dành cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh BHYT lên 91% (tăng 1%) và giảm 1% số tiền đóng dành cho quỹ dự phòng, chi phí quản lý Quỹ BHYT (từ 5% xuống 4%) trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Qua đó, tăng kinh phí dành cho khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn, triển khai Luật để trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8, dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Quỹ BHYT được sử dụng để chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT, chi phí hoạt động quản lý quỹ, và những khoản chi phí hợp pháp khác liên quan đến BHYT.

TRẦN MINH

Các tin khác