Ảnh minh họa.
Bộ Y tế vừa có thông tin chi tiết về tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19 và nguy cơ biến chứng đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca. Đây là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm, do AstraZeneca đang thực hiện quy trình xin rút giấy phép vaccine Covid-19 của họ vì gây ra tác dụng hiếm gặp có khả năng dẫn đến đông máu. Bộ Y tế nêu rõ, tiêm chủng vaccine AstraZeneca là an toàn và hiệu quả. Vaccine này là 1 trong 14 loại vaccine Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp và là một trong những vaccine được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hơn 2 tỉ liều đã được tiêm chủng toàn cầu.
Theo WHO, số liệu từ Anh và Châu Âu cho thấy nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine AstraZeneca như huyết khối kèm Hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) ước tính là 1 trên 100,000 người lớn được tiêm và xảy ra trong khoảng 3-21 ngày, có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày. Một thống kê khác của GAVI cho thấy, tỉ lệ ghi nhận tại Anh là 4/1.000.000 người (tương đương 0.4/100.000 người). Với tỉ lệ rất hiếm gặp của huyết khối kèm giảm tiểu cầu, WHO khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vaccine AstraZeneca trong việc bảo vệ chống lại Covid-19 vượt xa so với rủi ro.
Tại Việt Nam, vaccine AstraZeneca là loại vaccine Covid-19 đầu tiên được nhập khẩu và triển khai tiêm chủng. Tính đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 266 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó có 70 triệu liều vaccine AstraZeneca đã được sử dụng. Bộ Y tế nhấn mạnh, huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) liên quan đến vaccine AstraZeneca là tác dụng phụ rất hiếm gặp và thường chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn sau tiêm. Kể từ tháng 7/2023, Việt Nam đã sử dụng hết loại vaccine này, nên hiện tại không còn rủi ro phát triển TTS sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.
Do vậy, đối với những người đã tiêm vaccine này, không cần thực hiện xét nghiệm D-dimer hay bất kỳ xét nghiệm đông máu do không còn nguy cơ gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở những người đã tiêm vaccine AstraZeneca từ gần 1 năm trước.
PV (t/h)
Các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 phải rõ ràng, không chồng chéo