
Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Luật sư Lê Hồng Nguyên và Luật sư Tsukahara Masantori điều hành khóa tập huấn.
Chương trình trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Tham dự lớp tập huấn và làm diễn giả có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; cùng với sự tham gia của đông đảo các luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh và các luật sư thuộc các Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Thanh Hóa, Long An, Bến Tre, Trà Vinh.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh trao đổi tại khóa tập huấn.
Về phía Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản có ông Chinone Koichi, Cố vấn trưởng Dự án JICA; Luật sư Tsukahara Masantori, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA; ông Onishi Hiromichi, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA.

Luật sư Lê Hồng Nguyên trao đổi tại khóa tập huấn.
Khóa tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tập chung vào hai chuyên đề trọng tâm “Đánh giá thực trạng về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thời gian vừa qua” do Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày; và chuyên đề “Kỹ năng của luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng” do Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày.

Luật sư Vương Sơn Hà, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh trao đổi tại khóa tập huấn.
Trong khuôn khổ chuyên đề, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh đã phân tích hệ thống các hành vi vi phạm đạo đức và chuẩn mực hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư và Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Bằng cách lồng ghép các tình huống thực tiễn điển hình, chuyên đề đã minh họa sinh động các dạng vi phạm phổ biến và giúp các luật sư nhận diện rõ hơn ranh giới giữa hành vi vi phạm và hành vi nghề nghiệp đúng quy định và đạo đức nghề nghiệp.

Luật sư Nguyễn Đình Hải, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc trao đổi tại khóa tập huấn.
Đồng thời, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh cũng đánh giá thực trạng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thời gian qua, chỉ ra những tồn tại, bất cập cần khắc phục, từ đó nhấn mạnh vai trò của mỗi luật sư trong việc xây dựng hình ảnh luật sư hành nghề chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh tặng quà lưu niệm và tri ân tới Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Tại buổi chuyên đề: “Kỹ năng của luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự về kinh tế, chức vụ và tham nhũng”, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và tham gia bào chữa trong các vụ án hình sự, Luật sư Lê Hồng Nguyên đã phân tích sâu các yêu cầu kỹ năng nghiệp vụ của luật sư trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, bao gồm nghiên cứu hồ sơ, xây dựng chiến lược bào chữa, thu thập và đánh giá chứng cứ, cũng như kỹ năng tại phiên tòa sơ thẩm. Những nội dung được chia sẻ đã giúp cho các luật sư nâng cao năng lực hành nghề trong các vụ án có tính chất phức tạp và góp phần định hướng hoạt động bào chữa một cách hiệu quả, đúng pháp luật và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo.
Trao đổi tại buổi tập huấn, Luật sư Tsukahara Masantori, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA đã trình bày tổng quan về hệ thống tố tụng hình sự tại Nhật Bản, nhấn mạnh trình tự thủ tục tố tụng và vai trò của luật sư bào chữa trong từng giai đoạn tố tụng, từ giai đoạn điều tra, truy tố cho đến xét xử. Thông qua việc minh họa bằng các tình huống thực tiễn, Luật sư Tsukahara Masantori đã cung cấp cho các luật sư góc nhìn so sánh sinh động giữa pháp luật và thực tiễn hành nghề tại Nhật Bản với Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao kỹ năng hành nghề và khả năng vận dụng pháp luật tố tụng hình sự trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Kết thúc chương trình bồi dưỡng, các luật sư tham dự đã được hệ thống hóa, cập nhật kiến thức chuyên môn và rèn luyện các kỹ năng hành nghề. Đây cũng là dịp để đội ngũ luật sư nhìn nhận một cách toàn diện vai trò của mình, từ đó không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả hơn.
Với tinh thần cầu thị, thái độ học tập nghiêm túc và ý thức nghề nghiệp cao, khóa tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ năm 2025 do Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp cùng Dự án JICA và Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh tổ chức đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn, đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam bản lĩnh, chuyên sâu và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.