Đợt 1 họp trực tuyến của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin một trong những hoạt động thể hiện tính công khai của kỳ họp Quốc hội chính là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tính chất công khai này được thể hiện cả về nội dung và hình thức: Tất cả các vấn đề trong hoạt động của bộ máy nhà nước, trách nhiệm của những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn, những vấn đề mà cử tri quan tâm, thậm chí là bức xúc đều là nội dung chất vấn bằng hình thức đối thoại, tranh luận, giải trình công khai và toàn bộ hoạt động chất vấn đều được phát thanh và truyền hình trực tiếp.
Chính vì lẽ đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã và đang trở thành điểm nhấn quan trọng của các kỳ họp Quốc hội, là sự mong đợi của cử tri, nhân dân và của chính các đại biểu Quốc hội tại mỗi kỳ họp.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 2, phiên họp chất vấn được tổ chức vào đợt 2 (họp tập trung tại Nhà Quốc hội), thời gian là 2,5 ngày (từ ngày 10/11 đến hết sáng ngày 12/11/2021), được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và 04 thành viên Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này sẽ được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời.
Về cách thức đặt câu hỏi chất vấn, tiếp tục kế thừa cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã được thực hiện tại các kỳ chất vấn trước, tại kỳ họp này mỗi lượt sẽ có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 01 phút; người trả lời chất vấn sẽ trả lời không quá 03 phút/01 chất vấn, trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 02 phút. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
Về cách thức trả lời chất vấn, người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề chất vấn.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, làm cơ sở giám sát việc thực hiện.
Về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn, trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp đề xuất chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 qua Báo cáo của Ban Dân nguyện; những vấn đề nổi lên qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, đến thời điểm hiện tại, có 04 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực y tế, lao động thương binh xã hội, kế hoạch đầu tư và giáo dục đào tạo, cùng với đó là 04 Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực trên sẽ trả lời chất vấn và Thủ tướng Chính phủ sẽ dành thời gian trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Sau khi các Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ báo cáo, giải trình và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Thứ Hai, ngày 08/11/2021 (đợt 2 họp tập trung), theo chương trình, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
DUY ANH