1. Về đề tài
Được biết, từ xưa tới nay, trong văn học Việt Nam chưa từng có Nhà thơ nào, tập thơ nào chỉ chuyên viết về nghề - đặc biệt là nghề luật, cái nghề tưởng như rất khô khan - toàn diện và sâu sắc như thế.
2. Nhân vật trữ tình là sự trăn trở thường trực đến đau đớn của một Luật sư trên pháp đình trước thực trạng pháp luật của đất nước, trước những rủi may, ấm lạnh, được mất của số phận con người. Những cảm xúc, suy nghĩ ấy không phải ai cũng viết ra được, nếu tác giả không phải là một Luật sư thấu tình đạt lý trước công lý. Là Luật sư, ông đau đáu "Mơ cho công lý viên thành/Phận người không phải chi mành treo chuông" (Ngày Truyền thống Luật sư). Khi "Tiếng oan đang thấu đất trời" ông lặng đi "Cúi nghe lòng vẫn nghẹn lời trong thơ" (Mong). Ông hiểu rõ và cảm thông với những giọt nước mắt của thân chủ "Giọt nước mắt của em làm rớt lệ bao người /Nước mắt chảy giữa pháp đình lặng ngắt / Có nước mắt nào chát hơn thế, em ơi! " (Nước mắt). Ông cảm thông và chia sẻ với nỗi day dứt của các vị Thẩm phán khi tuyên án không đúng với lương tâm mình "Thương ông muốn xử treo đi/Ngại vì tiếng bấc tiếng chì chen nhau/ Nào tôi có phải thế đâu/ Lòng tôi vàng chứ chẳng thau đâu mà"(Tâm tư một thẩm phán). Trong bài Tự vấn, ông thảng thốt "Phiên tòa ở ngoài đời /Bị cáo đứng trước vành móng ngựa/ Khi phiên tòa lương tâm đã mở/Không biết bị cáo mình sẽ đứng ở đâu". Và ông thấu nỗi đau của mình và của các Luật sư chân chính "Anh một nửa khô cằn như pháp luật/ Một nửa mình lại ướt đẫm thi ca/ Hai nửa ghép thành trái tim u uất /Nên chẳng giọt máu nào nở được thành hoa". Không nở được thành hoa thì nở thành thơ. Thơ, đó là tiếng lòng của một Luật sư - thi sĩ...
3. Cấu trúc tập thơ rất đặc biệt
Mở đầu tập thơ, trong bài Tìm, tác giả viết: “Quá nửa đời mải miết đi/Vẫn chưa tìm được cái gì.../ Chán chưa/Thì quay về với muối dưa/Chấm thêm chút nắng chút mưa cho nồng/ Chan thêm một chút đèo bòng/Rồi sùm sụp húp.../ Cho lòng/ đỡ vênh!!!”. Không tìm được cái cao cả, cái vốn không có thực, nhà thơ đi tìm cái bình thường trong đời thường mà ông gọi là "muối dưa" được thi vị hóa bởi "chút nắng mưa cho nồng". Để mà sống, mà chan húp "cho lòng đỡ vênh", một cách nói bóng gió về sự yên phận có thể tìm thấy khi hành nghề luật trong thời hiện tại.
Phần tiếp theo của tập thơ là những bài thơ diễn tả cảm xúc, suy tư của nhà thơ trước thực trạng điều tra, xét xử với các nguyên nhân và kết quả khác nhau tại pháp đình. Xin chép ra đây một vài vần thơ và xin không bình luận, bởi điều gì cần nói thì nhà thơ đã nói rồi.
- Về điều tra vụ án: “Không khai bảo ngoan cố/Muốn khai nói không cần.../Pháp luật là khuôn thước/Biết bao giờ thẳng ngay” (Khai-không khai).
- Về việc xét xử tại tòa án: “Tòa nhắc bị cáo Khói/Rằng phải trả lời ngay/Làm ba người chết ngạt/Cả chục người mắt cay/ Bị cáo Khói lễ phép/Tại thằng Lửa, thưa tòa/Nếu như nó không cháy/Thì làm sao tôi ra?/Tòa gọi đương sự Lửa/Cớ sao cháy như điên/Lửa thanh minh lý sự/Tại cái người bật diêm/ Đến đây tòa bỗng bí/Vì thiếu đương sự Người / Vì tòa không triệu tập /Vì chỉ xử Khói thôi/Luật sư cãi hăng lắm /Đòi lôi Người ra tòa/Nếu chỉ xử riêng Khói/Thì Công Lý khóc òa/Phiên tòa vẫn kết thúc /Hình phạt Khói: tối đa!” (Xét xử).
- Và tâm trạng của Luật sư sau phiên tòa: “Biết thân chủ hàm oan mà bất lực/Có nỗi đau nào hơn thế nữa không?)/Công Lý khẽ mỉm cười chua chát/ Ai bảo trong tim ngươi máu cứ đỏ hồng?”. (Bất lực)
- Với những ước mong: “Chỉ mong sao công lý/Đừng đội nón ra đi/ Cho niềm tin còn lại / Khỏi đến ngày suy vi” (Đại, tiểu)...
Tập thơ khép lại với bài Vầng trăng: “Ta đã hiểu những gì cần hiểu /Có điều chi cấn cái nữa đâu/Con đường tối dẫu có nhiều gai góc/ Vầng trăng ta vẫn tỏa sáng trên đầu/ Ta vẫn giữ một niềm tin có thật/Vầng trăng kia sẽ tỏa sáng bầu trời /Như Công Lý dẫu xa mờ trong đục/ Sẽ có ngày như trăng đấy trăng ơi...”.
Hình ảnh vầng trăng là hình ảnh biểu tượng cho Công Lý vĩnh hằng mà Luật sư - Nhà thơ Nguyễn Minh Tâm đã, đang và sẽ mãi kiếm tìm với rất nhiều trăn trở, xót xa cùng với bao nhiêu ước mong, hy vọng... Đọc tới đây, người đọc nhận ra cảm hứng chủ đạo của tập thơ là trình bày và phê phán hiện thực để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Ở đó, công Lý được thực thi, những nỗi oan khuất được giải tỏa, con người được bình đẳng trước pháp luật.
4. Cuối cùng, đây là tập thơ đa dạng về bút pháp, thi tứ hiện đại, độc đáo
Trong tập thơ này, Nguyễn Minh Tâm viết bằng nhiều thể thơ như thơ bốn, năm, sáu, bảy, tám chữ và thơ lục bát. Điều đó không mấy quan trọng bởi ông viết tùy hứng. Miễn sao là đừng thành các bài văn vần đơn giản. Miễn sao các hình thức ấy diễn đạt được cảm xúc, ý tứ của bài thơ hiệu quả nhất. Trong Ấm lạnh pháp đình, người đọc dễ nhận ra hai phần Ấm và Lạnh. Mới đọc qua, có vẻ như phần Lạnh nổi trội hơn (sân tòa mênh mông, pháp đình lạnh ngắt, quan tòa lạnh lùng, bị cáo oan sai, nước mắt thân chủ...). Nhưng nếu đọc kĩ, người đọc sẽ nhận ra phần Ấm cũng không hề nhẹ hơn phần Lạnh. Cái ấm hiện ra lấp ló trong những mặt tốt đẹp của con người (dù người đó là điều tra viên, công tố viên, Luật sư hay bị cáo - những nhân vật trung tâm của pháp đình) và tấm lòng của nhà thơ trước số phận con người. Tấm lòng ấy khi thì thể hiện qua cảm xúc, khi thì qua thái độ hoặc lời đánh giá. Đọc Ấm lạnh pháp đình, người đọc có thể mỉm cười bởi một số bài thơ. Nụ cười hài hước của tác giả đã làm nhẹ nhiều nội dung nặng nề của thơ. Hãy xem ông vẽ chân dung một bị cáo “Tự tin và bình tĩnh/ Đúng dáng một ông bầu/ Mỗi tội không thấy râu/ Lão nhìn hơi tiêng tiếc”. Qua đó, người ta nhận ra cái bao dung, độ lượng, sự cảm thông, nhiệt huyết của nhà thơ trong việc bảo vệ và thực thi công lý.
Thơ Nguyễn Minh Tâm có cấu tứ khá hiện đại. Chất hiện đại được phát triển từ truyền thống.
• Cấu tứ theo chủ đề (hay còn gọi là trình bày, miêu tả, diễn giải, khái quát chủ đề). Ở đây, các ý thơ đều được nêu ra và tập trung thể hiện từng khía cạnh của chủ đề. Từ các khía cạnh đó, chủ đề của bài thơ nổi bật lên. Điển hình là bài Ngày mai (bài thơ diễn giải: Mai là ngày Luật sư. Sáng nay gã lặng ngồi, thân tâm bồi hồi. Vì hành nghề lâu, thấu mọi nỗi vui buồn của nghề luật. Lòng hẹn lòng giữ mình trong sạch. Mơ ngày mai được khát vọng tự do. Chủ đề cần làm sáng tỏ: Nỗi trăn trở với nghề, với mình của nhà thơ trong quá khứ hiện tại và tương lai nhân ngày Luật sư).
• Cấu tứ theo cảm xúc, tức là nghiêng về cảm xúc, ẩn phần lý trí đi để việc thể hiện tình cảm được hiệu quả. Ví dụ bài Trước sân tòa "Lặng ngồi ở trước sân tòa/ Ngắm nhìn những gốc thông già đứng nghiêng / Thương cho thế đứng chung chiêng/ Còn đâu cái vẻ thiêng liêng một thời /Buột mồm gọi Nguyễn Công ơi/ Hỏi ông còn khát hát lời của thông". Xót nay, xót xưa. Thương đời, thương người...
• Cấu tứ lấy ý từ một chân lý, một mệnh đề triết học, dùng liên tưởng để thể hiện chủ đề. Bài thơ tiêu biểu cho cấu tứ này ở tập thơ này là bài Đối đáp "Rõ ràng đây là 6/ Không, là 9 rõ ràng/Cả hai bên phùng má/Cứ thế mà trợn mang". Có phải ứng với "Ông nói gà, bà nói vịt", "Sự thật nào cũng cần góc nhìn"... không?
• Các tứ thơ phủ định/khẳng định, tương phản, đối lập, tương đồng, liên tưởng, lặp ý,... cũng được Nguyễn Minh Tâm kết hợp và sử dụng thường xuyên. Ví dụ: "Thực, còn đọng lại bao tình huống /Cứ vấn vương vấn vít trong đẩu/Mơ, vơ vẩn một chiều mông tưởng/Để cho lòng nặng chút tình Ngâu" (Hai thể).
Tập Ấm lạnh pháp đình chưa phải là đỉnh thơ mà Nguyễn Minh Tâm đã vươn tới. Tuy nhiên, đây chắc chắn sẽ là đỉnh cao thơ viết về nghề, đặc biệt là nghề luật.
Nhà văn NGUYỄN QUỐC VĂN
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn với nhiều điểm mới