/ Luật sư trực ban
/ Bỗng dưng trở thành ‘con nợ’: Cần nâng cao chế tài xử lý nghiêm đối tượng vi phạm

Bỗng dưng trở thành ‘con nợ’: Cần nâng cao chế tài xử lý nghiêm đối tượng vi phạm

20/12/2021 10:40 |

(LSVN) – Cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân biết được về việc bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ tài khoản ngân hàng để tránh trường hợp trở thành những bị hại trong những vụ việc lừa đảo.

Bỗng dưng trở thành “con nợ”

Trong thời gian vừa qua, nhiều người bỗng dưng trở thành “con nợ” khi dù mình không phải là người vay nhưng vẫn phải "cõng" theo 1 khoản nợ "từ đâu rơi xuống". Theo đó, họ thường nhận được tin nhắn đòi nợ từ số điện thoại lạ. Thậm chí, các đối tượng này thường gọi điện cho họ đọc “vanh vách” chính xác số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà, số điện thoại, số tiền vay nợ,... dùng những lời lẽ dọa nạt, nếu không trả nợ thì không yên với "chủ nợ".

Nhiều người bị mất chứng minh nhân dân tự dưng biến thành con nợ của các app “tín dụng đen”.

Nhiều kẻ xấu cũng sử dụng các số chứng minh nhân dân nhặt được hoặc mua lại được, sau đó thay hình để đi vay. Khi đó người bị mất chứng minh nhân dân sẽ phát sinh dư nợ vay. Đối với các tổ chức cho vay lãi suất cao hay còn gọi là app “đen”, thủ tục cho vay nhanh, thủ tục đơn giản, lại càng khiến cho kẻ xấu lợi dụng điều này để thực hiện việc làm phạm pháp, vô tình kéo nhiều người vào vòng xoáy nợ “đen” và phải đương đầu với tình trạng khủng bố vì bị đòi nợ.

Nếu dính vào trường hợp này, người vô tội bỗng dưng trở thành người thiệt hại nhiều nhất. Bởi dù không nhận được khoản tiền vay, cũng trở thành con nợ và khi phản kháng thì phải đối mặt với tình trạng khủng bố của các chủ nợ. Điều đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh phức tạp về an ninh trật tự.

Sẽ bị xử lý hình sự

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, đây là một trong những chiêu trò của nhóm đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động trên không gian mạng. Mục đích của nhóm đối tượng là muốn gia tăng số lượng người vay tiền để tính lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người nên các đối tượng có thể dễ dàng chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Theo quy định của pháp luật thì vay tiền là quan hệ dân sự, là hợp đồng vay tài sản, theo đó hai bên có thể tự nguyện thỏa thuận về khoản tiền vay, về lãi suất phải về biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, về thời hạn trả nợ. Theo đó pháp luật chỉ giới hạn mức lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 20% một năm. Trường hợp thỏa thuận mức lãi suất vượt quá mức lãi suất nhà nước quy định thì pháp luật không thừa nhận mức lãi suất vượt quá đó.

Trường hợp lãi suất vượt quá năm lần mức lãi suất nhà nước quy định và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì bên cho vay sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Pháp luật quy định bên cho vay có quyền đòi nợ, tuy nhiên không được phép xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của người vay hoặc những người thân, gia đình của họ. Trường hợp người vay nợ không trả nợ đúng hẹn thì người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người vay tiền để buộc phải trả nợ là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải trả nợ sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Cường nêu rõ, pháp luật đã có quy định rất cụ thể về các trường hợp cho vay nặng lãi, đòi nợ trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào. Tuy nhiên, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, sự khó khăn của nhiều người và thiếu hiểu biết pháp luật nên nhiều đối tượng vẫn thực hiện hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ theo kiểu xã hội đen để chiếm đoạt tài sản của người vay trong thời gian vừa qua gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

"Để mở rộng thị trường, mở rộng người vay tiền thì các đối tượng còn chủ động chuyển tiền vào tài khoản của người khác rồi liên hệ để xác nhận khoản nợ, đồng thời tính lãi xuất cao, nếu người đó không trả nợ thì sẽ dùng nhiều biện pháp để đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhầm chiếm đoạt tài sản. Nhiều người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật cũng đã trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng sử dụng thủ đoạn như thế này", Luật sư cho biết thêm.

Trước khi chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân thì các đối tượng này thường đã có tương đối đầy đủ thông tin về nạn nhân như thông tin về chứng minh thư, địa chỉ, số tài khoản, số điện thoại và rất nhiều thông tin khác về nhân thân của nạn nhân. Khi chúng chuyển tiền vào tài khoản của nạn nhân, đồng thời sẽ giả danh cán bộ tín dụng hoặc các tổ chức tài chính để thông báo về khoản vay, đồng thời bắt đầu tính lãi suất và yêu cầu nạn nhân phải trả lời theo mức lãi suất mà bọn chúng đưa ra. Trong trường hợp người nhận được tiền đã cho chi tiêu số tiền đó hoặc không có phản hồi thì sau một thời gian bọn chúng sẽ tìm cách đòi nợ, đe dọa, uy hiếp tinh thần để buộc nạn nhân phải thanh toán số tiền với lãi suất cao.

Nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã sử dụng thủ đoạn là chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác rồi yêu cầu họ chuyển lại tiền vào một số tài khoản khác để trả lại, sau đó bắt đền nạn nhân hoặc lợi dụng quá trình chuyển tiền đó để xâm nhập trái phép vào tài khoản của nạn nhân, chuyển toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản của nạn nhân sang tài khoản của bọn chúng để chiếm đoạt tài sản.

Bởi vậy, trong tài khoản đột nhiên có số tiền chuyển đến mà không rõ là tiền của ai chuyển thì người dân cần phải thông báo ngay thông tin đó cho ngân hàng nơi mở tài khoản để được hướng dẫn thủ tục. Nếu nộp tiền trả lại thì sẽ trả cho ngân hàng chứ không trả cho những người khác. Thông thường số tài khoản và số điện thoại là khác nhau, chỉ có các tổ chức tín dụng mới có các thông tin này. Nếu bình thường một người chuyển tiền nhầm thì sẽ không thể có số điện thoại của người nhận tiền qua tài khoản. Nếu đối tượng giả danh là cán bộ tín dụng thì sẽ không làm việc qua điện thoại, tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web mà đối tượng gửi kèm, không cung cấp mã OTP. Để giải quyết đối với khoản tiền này thì cần phải làm việc trực tiếp với cán bộ ngân hàng, tại trụ sở của ngân hàng nơi mở tài khoản.

Ngoài ra, nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo thì cần phải lưu lại các thông tin để trình báo với cơ quan điều tra. Trường hợp các đối tượng chuyển nhầm tiền vào tài khoản rồi đòi tiền theo kiểu xã hội đen, đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để buộc phải giao tài sản thì cần phải lưu lại chứng cứ và trình báo cho cơ quan điều tra phải tuyệt đối không tự ý chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Luật sư Cường cũng lưu ý, qua sự việc này thì cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân biết được về việc bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ tài khoản ngân hàng để tránh trường hợp trở thành những bị hại trong những vụ việc lừa đảo.

HỒNG HẠNH

Bộ Công thương đề xuất thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp không xuất khẩu gạo

Lê Minh Hoàng