Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng ở Rio de Janiero, Brazil. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN.
Theo Bộ Kinh tế Brazil, nước này đạt thặng dư thương mại kỷ lục chủ yếu là nhờ nhập khẩu giảm mạnh, trong khi giá một số nguyên liệu thô trên thị trường quốc tế, chủ yếu là dầu mỏ và quặng sắt, lại tăng vọt.
Trong giai đoạn từ tháng 01-6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Brazil đạt hơn 166,1 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu đạt 120,6 tỉ USD, giảm 7,1%.
Trong số hàng hóa của Brazil xuất ra thị trường nước ngoài trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt mức tăng cao nhất (7%), với sản phẩm nổi bật là đậu tương thô (33,5 tỉ USD), còn kim ngạch xuất khẩu dầu thô và quặng sắt cũng ở mức cao, lần lượt là 19 tỉ USD và 6,1 tỉ USD.
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Brazil, với kim ngạch đạt hơn 50,7 tỉ USD, tiếp đến là Liên minh châu Âu (23 tỉ USD), Mỹ (17,3 tỉ USD) và Argentina (Ác-hen-ti-na, 9,47 tỉUSD).
Do xuất khẩu tăng trưởng ổn định từ đầu năm đến nay, trong khi nhập khẩu có xu hướng giảm, Bộ Kinh tế Brazil đã quyết định nâng dự báo thặng dư thương mại của nước này trong năm nay lên 84,7 tỉ USD.
Nếu dự báo trên trở thành hiện thực, Brazil sẽ kết thúc năm 2023 với mức thặng dư thương mại kỷ lục, tăng tới 38% so với 2022. Trên thực tế, mức thặng dư thương mại 61,5 tỉ USD trong năm 2022 cho đến nay cũng là mức xuất siêu lớn nhất trong lịch sử nước này.
Theo dự báo mới nhất, Brazil sẽ kết thúc năm 2023 với kim ngạch xuất khẩu đạt 330 tỉ USD, giảm 1,2% so với năm 2022, trong khi nhập khẩu đạt 245,2 tỉ USD, giảm 10%.
NGỌC TÙNG/TTXVN