/ Thư viện pháp luật
/ Các trường hợp thu hồi Giấy phép thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

Các trường hợp thu hồi Giấy phép thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

07/05/2023 12:08 |

(LSVN) - Nghị định số 21/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ các trường hợp thu hồi Giấy phép thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Ảnh minh họa. 

Theo Nghị định số 21/2023/NĐ-CP, việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Cụ thể, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động trong các trường hợp sau đây:

"a. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép;

b. Hoạt động không đúng với nội dung tại Giấy phép thành lập và hoạt động;

c. Không khắc phục được tình trạng vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP;

d. Không thể tăng số lượng thành viên theo phương án đã báo cáo Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP;

đ. Tự nguyện giải thể".

Đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b thì trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

Đối với các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d thì trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

Đối với các trường hợp quy định tại điểm đ thì hồ sơ, trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấm dứt hoạt động kể từ ngày Bộ Tài chính có Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động.

Nghị định số 21/2023/NĐ-CP cũng quy định tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm cụ thể như sau:

Thứ nhất, có vốn thành lập bằng Đồng Việt Nam không thấp hơn 10 tỷ đồng. Nguồn vốn thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm:

- Vốn góp của cá nhân là thành viên sáng lập. Thành viên sáng lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn;

- Hỗ trợ của tổ chức đại diện thành viên;

- Tài trợ từ các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án;

- Các nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

Thứ hai, nhân sự dự kiến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán bảo hiểm vi mô đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

Thứ ba, dự thảo điều lệ phù hợp với mục tiêu hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và quy định tại Điều 8 Nghị định số 21/2023/NĐ-CP.

PV

Sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ rủi ro sức khỏe có thời hạn không quá 5 năm

Bùi Thị Thanh Loan