Ảnh minh họa.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế vừa phải đảm bảo giải quyết nhanh chóng hồ sơ hoàn thuế GTGT, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời vẫn phải thực hiện các giải pháp nghiệp vụ để phòng chống gian lận hoàn thuế.
Việc đẩy nhanh hoàn thuế cũng phải trên cơ sở kiểm duyệt chặt chẽ để không gây rủi ro thất thu ngân sách Nhà nước.
Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào để lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT, là thủ đoạn đã được ngành Thuế nhận diện và quyết liệt xử lý trong thời gian qua. Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế vạch ra nhiều dấu hiệu, chiêu trò vi phạm trong hoàn thuế GTGT trọng tâm tập trung ở 3 dấu hiệu.
Thứ nhất, thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian (F1, F2) mua bán hàng hóa. Các doanh nghiệp trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho doanh nghiệp F1 thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn, việc kê khai doanh thu và thuế giữa các doanh nghiệp trung gian không khớp đúng, doanh nghiệp bán (F2) kê khai doanh thu nhỏ nhưng doanh nghiệp mua (F1) kê khai khấu trừ lớn.
Đồng thời, việc thanh toán qua ngân hàng được Cục thuế xác minh thì thanh toán tiền đều được thực hiện qua ngân hàng, tuy nhiên việc thanh toán tiền hàng và rút tiền từ ngân hàng đều diễn ra trong cùng 1 ngày và cùng tên một người rút tiền.
Thứ hai, doanh nghiệp hoàn thuế GTGT sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua của các doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất kinh doanh) hoặc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT.
Thứ ba, doanh nghiệp hoàn thuế lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh (từ ngày 1/7/2022 trở về trước).
Ngoài các dấu hiệu chung nêu trên, đối với mỗi nhóm ngành hàng, lĩnh vực hàng xuất khẩu lại phát sinh những dấu hiệu vi phạm tinh vi hơn. Cụ thể, các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu là linh kiện điện tử nâng khống giá trị lô hàng xuất khẩu, khi nhập khẩu các doanh nghiệp nhập khẩu khai báo giá trị nhập khẩu rất thấp, nhưng khi doanh nghiệp khác xuất khẩu thì khai báo giá trị rất cao so với giá nhập khẩu và chênh lệch nhau trên 50 lần, nguồn gốc hàng hóa thì không rõ ràng...
Theo đại diện Tổng cục Thuế, tính từ ngày 01/01/2023 đến 21/6/2023, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 5.247 trên tổng số 5.280 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận hoàn điện tử là 8.523 hồ sơ trên tổng số 8.561 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%.
Theo quy định hiện hành về hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng những điều kiện cụ thể như: Hợp đồng mua bán hàng hoá, tờ khai hải quan, hoá đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng… Nếu đã đảm bảo các tiêu chí trên, sau khi xét duyệt, cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn thuế.
Thời gian quy định cho hoàn trước kiểm tra sau là 6 ngày làm việc, còn kiểm tra trước hoàn sau là 40 ngày làm việc.
PV
Nhận diện và phòng ngừa các hình thức lừa đảo trực tuyến liên quan đến lĩnh vực thuế