Ảnh minh họa.
Theo Quyết định, phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị và doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 với phương châm “phòng là cơ bản, chiến dịch lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, kế hoạch đề cao tinh thần thi đua, khuyến khích sáng tạo, phát huy sáng kiến huy động mọi nguồn lực, đề xuất các giải pháp và biện pháp trên mọi lĩnh vực để đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế thiệt hại về người tài sản. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng nhằm tổ chức phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, thiết thực nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và tinh thần quốc tế cao đẹp, động viên, lôi cuốn các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tích cực chủ động tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19.
Phong trào thi đua tập trung vào 6 nội dung chính. Đầu tiên, thi đua thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát tốt hơn đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống đại dịch.
Thứ hai, thi đua phát huy sáng kiến, giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, xuất nhập khẩu... thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác, huy động các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống đại dịch, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thứ ba, thi đua đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đấu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, cụ thể hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, nhất là ở vùng có dịch vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Thứ tư, thi đua giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước lợi dụng tình hình đại dịch để gây rối, chống phá.
Thứ năm, thi đua triển khai hiệu quả, an toàn Chiến lược vaccine phòng Covid-19 nhằm đạt tỉ lệ miễn dịch cộng đồng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống đại dịch, trong hoạt động “ngoại giao vaccine”, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vaccine, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống, các tổ chức quốc tế có tiềm lực về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vaccine. Thi đua xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine trong nước.
Thứ sáu, thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu, tin tưởng, thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp triển khai.
Giải pháp thực hiện của kế hoạch nhằm tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, với tinh thần “triệu trái tim, một ý chí”, các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt các giải pháp được nêu ra trong Kế hoạch như: Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động, phù hợp với các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 và những yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng, chống đại dịch để nâng cao nhận thức, ý thức người dân; cổ vũ mọi người dân thi đua chấp hành tốt các quy định của chính quyền các cấp; phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”.
Các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp căn cứ đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực và khả năng cho công tác phòng, chống dịch. Phát động, triển khai phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức phù hợp, thiết thực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm cao hơn nữa trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua…
Về tổ chức thực hiện, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức Phong trào thi đua thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học... ở trong và ngoài nước tiếp tục có nhiều đề xuất sáng tạo, chung tay, góp sức, chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ và các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
NGỌC ANH
Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương xem xét cho người dân đăng ký về quê