Thông tin về điểm mới của dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, Nghị quyết này được hoàn thiện để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
So với dự thảo ban đầu, tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã có điều chỉnh để phù hợp với chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế. Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp sẽ dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ xem xét các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí và điều kiện địa lý; quy mô và trình độ phát triển kinh tế xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.

Ảnh minh hoạ.
Đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp không chỉ đơn thuần là việc điều chỉnh địa giới hành chính và tinh gọn bộ máy, mà còn là sự điều chỉnh về không gian kinh tế, phân cấp, phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế. Mục tiêu lớn hơn là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng và sức bật cho đất nước theo các mục tiêu và tầm nhìn chiến lược dài hạn, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới.
Trước đó, tại buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết dự kiến, hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ cơ cấu lại gồm 3 cấp, đó là Trung ương; tỉnh, thành phố và xã, phường. Dự kiến ban đầu, cả nước còn khoảng 34 tỉnh thành trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh thành hiện nay. Theo định hướng này, cả nước có 11 tỉnh, thành phố được giữ như hiện tại, 52 tỉnh, thành thực hiện sáp nhập theo tiêu chí đề ra.
Cùng với đó, Tổng Bí thư nêu rõ việc kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện và sẽ tổ chức khoảng 5.000 xã, phường. Như vậy, so với 10.035 xã, phường hiện nay, dự kiến số xã sau sáp nhập giảm khoảng 50%. Đây được xem là phương án sắp xếp mới với cấp xã. Dự thảo Nghị quyết trước đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu con số sắp xếp 9.996 trên tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, để giảm xuống dưới 3.000.
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở (xã, phường và đặc khu ở hải đảo), không tổ chức cấp huyện. Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở đều tổ chức HĐND và UBND. Bên cạnh đó, dự Luật còn có những sửa đổi liên quan đến việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp cơ sở.