Ca trù Cổ Đạm

13/02/2021 02:33 | 3 năm trước

(LSVN) - Một ngày đầu Xuân Tân Sửu chúng tôi về với Cổ Đạm - một làng quê yên ả nằm phía Đông chân núi Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - nơi đây một cái nôi ca trù của nước ta. Rất tiếc những nghệ nhân tài hoa như bà Phan Thị Mơn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Liên có công lớn làm cho ca trù Cổ Đạm hồi sinh, khôi phục một môn nghệ thuật đặc sắc, một thể thi ca bác học, đào tạo ra được nhiều đào, kép đầy triển vọng nay không còn nữa. Nhưng những đào, kép trẻ hôm nay không phụ lòng người đi trước, giọng ca ngọt ngào, sắc đẹp của ca nương đã níu chân không biết bao du khách.

Câu lạc bộ ca trù cổ đạm.

CỔ ĐẠM - CÁI NÔI CỦA CA TRÙ                   

Tương truyền, ngày xưa ở làng Tiên Cầu (nay thuộc xã Xuân Giang) có dòng họ Phan con trai, con gái sinh ra đều biết hát ca trù. Nhưng buồn thay, con gái kém nhan sắc. Được ông thầy địa lý nổi tiếng ở Tả Ao lấy cho huyệt đất táng mộ tổ tại Phú Lạp (nay là xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Ông khuyên con cháu nên về ở dưới đó. Quả thực sau khi đưa mộ tổ về táng ở Phú Lạp thì con gái họ Phan xinh đẹp hẳn ra.                                   

Khi về Phú Lạp ca trù được con cháu họ Phan truyền cho các dòng họ như Nguyễn, Trần, Lê, Hoàng, Dương. Những người hát hay được chọn vào các phường, có một người giỏi phụ trách. Các gia đình chức sắc giàu có, ngày lễ hội của địa phương mời phường đến hát mừng, hát tế tụng, còn quan lại mời đến hát chầu.             

Qua truyền thuyết trên chứng tỏ ca trù Cổ Đạm có từ khi ông Tả Ao đang còn sống vào đầu thế kỷ 15 cách đây gần 600 năm.                    

Ca trù Cổ Đạm có hàng trăm làn điệu, nhưng các tốp các phường thường hay hát khoảng 60-80 làn điệu. Vào thời nhà Lê ca trù phát triển mạnh ra các huyện trong vùng như: Vinh, Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Kỳ Anh ra đến tận Thanh Hóa. Những đào, kép có thanh sắc, đàn hát điêu luyện được mời vào cung đình hát cho vua nghe. Những đào kép đó được gọi là: kép ngự, đào ngự. Thời nhà Nguyễn có ông Phan Phú Giai làm chức tri khoán cũng là một ca công đóng vai hề nổi tiếng và hát điệu trào lộng rất hay. Ông được vua Gia Long mời vào cung đình hát cho vua và các quan nghe. Mỗi lần xem Phan Phú Giai biểu diễn nhà vua không nín nổi cười. Ông được khen và ban thưởng, tin tưởng cử làm Cai ty giáo phường. Con trai của ông là Phan Phú Truyền được bổ làm chức thị xướng, hầu hát trong nội điện. Cũng từ đó chức Cai ty giáo phường xứ Nghệ được giao cho giáo phường Phú Lạp, cha truyền con nối đảm nhiệm. Đến đời Minh Mạng Cai ty giáo phường được đổi là Thanh Bình đội. Chức đứng đầu Thanh Bình đội vẫn giao cho giáo phường Phú Lạp đảm nhiệm. Việc ca trù có từ bao giờ đến nay chưa ai khẳng định được cụ thể, một số sách ghi thời nhà Lê, cũng có sách nói thời nhà Lý.

Nhưng các sách đều cho biết ở thế kỷ 17 hát ả đào rất thịnh hành, sang thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 thì hát ả đào ở Nghi Xuân nổi tiếng trong thiên hạ. Cổ Đạm có ngôi đền Xứ rất đẹp, trong đền thờ một pho tượng tổ sư nghề hát ca trù. Đền đã đổ nát nay mới khôi phục lại.

Hàng năm vào ngày 11 tháng Chạp Âm lịch là ngày giỗ tổ nghề hát ca trù Cổ Đạm. Giáo phường khắp nơi đổ về đây đàn hát, tao nhân mặc khách nườm nượp. Cho nên dân xứ Nghệ có câu: “Đờn Cổ Đạm, phách Kỳ Anh đưa với đón trọn tình chung thủy”.               

KHÁC BIỆT CỦA CA TRÙ CỔ ĐẠM                         

Ca trù Cổ Đạm không giống như chèo đồng bằng Bắc Bộ, tuồng cổ hay quan họ Bắc Ninh. Ca trù Cổ Đạm hát nhanh, đanh, tiết tấu rõ hơn, không luyến láy ngưng, nghỉ như ca trù ngoài Bắc. Đệm đàn, trống phách cũng có nhiều chỗ khác. Phách ca trù Cổ Đạm đánh chìm, đánh lửng, phách ca trù ngoài Bắc đánh nổi, đánh giòn. Róc của ca trù Cổ Đạm ngắn hơn. Còn lối xòe đàn, lối rung, lối nhấn cũng khác ngoài Bắc. Do đó kép Bắc vào đánh đàn, đánh trống gõ phách thì đào Nghệ rất khó hát, thậm chí không hát được. Thơ của ca trù Cổ Đạm cũng khác với dân ca ngoài Bắc. Phần lớn thơ của dân ca quan họ, dân ca Bắc Bộ là những câu thơ lục bát, lục bát biến thể song thất lục bát, dân ca thường lấy ca dao làm lời ca. Còn ca trù Cổ Đạm rất phóng túng, thơ gì cũng có thể phổ được. Bộ nhạc được bố trí theo từng hoàn cảnh. Hát ở cung đình, trong các buổi lễ lớn trang trọng thì dùng bát âm. Hát lễ tế đền, miếu dùng lục âm, tứ âm. Trong các buổi chúc tụng ở triều nội, thính phòng thường dùng đàn đáy, phách và trống chầu. Lễ rước, múa hát, hát điện, hát chầu, tùy từng lễ mà bố trí nhạc cho thích hợp. Nhịp múa trong ca trù Cổ Đạm thường chậm động tác khoan thai, nhẹ nhàng , uyển chuyển. Đây chính là điểm mạnh của ca trù Cổ Đạm làm cho người dân bình thường đến vua chúa và các nhà trí thức đều đam mê. Đất Cổ Đạm là nơi hội tụ các danh ca, thi nhân đến đây nghe thưởng thức ca trù. Trong đó có Lại bộ Thượng thư Nguyễn Khản, Đại thi hào Nguyễn Du. Đặc biệt Tướng công Nguyễn Công Trứ không những đam mê ca trù Cổ Đạm mà ông còn có công lớn luyện tập, trau dồi cho các chú kép, cô đào từ lời ca đến từng điệu múa và cách trang sức. Ông đam mê đến mức dân Nghi Xuân có câu: “Ăn cơm nhà vác tù và Cổ Đạm”. Nguyễn Công Trứ là người sáng tác lối “hát nói” được nâng lên một thể thơ hoàn chỉnh như:     

 “Giang sơn một gánh giữa đồng 
 Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng”   

Bằng lối “ hát nói”  thơ ông gần gũi với quần chúng nhân dân. Sau này một số nhà thơ lớn như: Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh kế tục được lối thơ nói như ông.                                     

Thực dân Pháp xâm lược nước ta ca trù Cổ Đạm chuyển Chiếu Cần Vương của các bậc sĩ phu yêu nước đến tận người dân. Truyền đi 2 bài thơ của vua Thành Thái động viên các chí sĩ đứng lên chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Chuyển tư tưởng Duy Tân, có nội dung cách mạng của cụ Phan Bội Châu, Hoàng Trọng Mậu đến nhiều địa phương. Sau tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái được giới trí thức, thanh niên ở Nghệ Tĩnh động viên Giáo phường Cổ Đạm dựng sân khấu ở nhà máy Trường Thi, thành phố Vinh diễn vở: “Trần Quốc Toản ra quân” khơi dậy tinh thần yêu nước cho hàng vạn người. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ca trù Cổ Đạm chuyển tải nhiều bài thơ ca Cách mạng của các chiến sĩ tiên phong như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phan Trọng Bình đến với quần chúng nhân dân. Nghe tin mình sắp bị đi đày Phan Trọng Bình viết : 

“Đã chung vai xốc gánh giang sơn 
Chốn hiểm nguy gian nan đâu có nệ              
Sinh đứng làm người trong bốn bể               
Côn Lôn, Lao Bảo thấm gì”    
              

Bài thơ đã tiếp thêm sức mạnh cho quần chúng nhân dân, kiên trung đấu tranh với kẻ thù.                                                                             

CA TRÙ CỔ ĐẠM HỒI SINH                      

Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta ở thành thị cũng như nông thôn có nhiều xáo trộn. Năm 1943 nhà hát ca trù Cổ Đạm ở phường Trường Thi, thành phố Vinh bị bom địch đánh phá, các nghệ nhân về quê hai bàn tay trắng. Nạn đói năm 1945 nhiều gia đình nghệ nhân bị xóa sổ. Ca trù Cổ Đạm cũng từ đây mai một dần.                 

Nhưng sức sống của ca trù vẫn bền bỉ tồn tại trong dân. Trong các ngày hội ở địa phương các nghệ nhân vẫn được mời đi hát. Nhiều cuộc hội diễn văn nghệ ca trù được đưa lên sân khấu, làm cho người nghe ngày càng động. Với sự đam mê của đông đảo quần chúng Nhân dân đã thôi thúc khôi phục lại ca trù Cổ Đạm. Từ đó Trung tâm văn hóa huyện Nghi Xuân thành lập một tổ gồm những anh chị em am hiểu âm nhạc như: Võ Thanh Tuấn, Trần Thị Cảnh, Đặng Thị Vân, Lê Xuân Hải, Lê Quốc Dũng về Cổ Đạm gặp các nghệ nhân còn sống sưu tầm lại các làn điệu. Các cụ Phan Thị Khánh, Phan Thị Mơn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Gia tuy tuổi cao, sức yếu nhưng rất nhiệt huyết cùng đoàn. Đến nay anh chị em đã sưu tầm được trên 40 làn điệu. Trong có nhiều làn điệu hay hát như: hát nói, hát chúc bội, hát tứ quí, vọng đại thạch, nhịp 3, cung bắc, xẩm xoan, trống quân, xẩm huê tình. Huyện có chủ trương đưa ca trù vào trường học. Các trưởng tổ chức cho học sinh học ngoại khóa, mời các giáo sư am hiểu ca trù, nghệ nhân về nói chuyện. Phòng văn hóa huyện kết hợp với các xã, nhà trường mở nhiều lớp bồi dưỡng cho những người có năng khiếu làm giảng viên. Xã Cổ Đạm thành lập câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm. Hàng tuần vào buổi tối thứ 7 câu lạc bộ sinh hoạt. Đến nay câu lạc bộ có trên 30 thành viên, đa số các em đang còn trẻ có nhiều triển vọng. Huyện có câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ hàng tuần sinh hoạt vào buổi chiều thứ 3 và thứ 5 tại Khu lưu niệm Uy viễn

Tướng công Nguyễn Công Trứ ở xã Xuân Giang. Huyện tổ chức nhiều cuộc hội diễn để phát hiện thêm nhân tài, đưa vào nguồn bồi dưỡng. Chính nhờ vậy ca trù Cổ Đạm phát triển nhanh, đào tạo được nhiều đào, kép giỏi. Năm 2005 Liên hoan ca trù khu vực 1 tổ chức tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ca nương Đặng Thúy Vân, Cao Thị Hòa đoạt Huy chương vàng. Năm 2006 Bộ văn hóa – thông tin tổ chức ghi âm lưu trữ các làn điệu ca trù gốc câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm thành phần biểu diễn chính. 

Cụ Phan Thị Mơn người có công làm hồi sinh ca trù Cổ Đạm (Trong ảnh cụ đang truyền lại các làn điệu cho con cháu).

Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm cũng được mời vào Huế để khôi phục lại hát cung đình. Tháng 6 năm 2006 Bộ văn hoá – thông tin lập hồ sơ trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu nhân loại câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm đảm nhiệm nội dung hát múa cửa đình.              

Tham gia Hội diễn ca trù toàn quốc năm 2009 câu lạc bộ Cổ Đạm đoạt 04 Huy chương Bạc gồm có ca nương: Dương Thị Nết, Dương Thị Xanh, Phan Thị Trang, Phan Thị Sâm. Năm 2018 Liên hoan ca trù toàn quốc tại Hà Tĩnh, Nghi Xuân đạt giải A toàn đoàn. Nghệ nhân ưu tú kép đàn Trần Văn Đài đạt giải A. Giọng ca trẻ ca nương Nguyễn Thị Thu Hà đạt giải A. Nguyễn Thị Quỳnh Như đạt giải ca nương triển vọng. Lê Xuân Hải đạt giải B quan viên. 

Chúng tôi làm việc với Trung tâm văn hóa huyện Nghi Xuân cho biết: “Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm có 14 đào, 01 kép tuy tuổi còn trẻ nhưng rất triển vọng”.  

Cứ mỗi năm Tết đến, Xuân về nhiều địa phương ở huyện Nghi Xuân tổ chức Hội diễn ca trù. Ca trù làm cho du khách và con người Nghi Xuân quí mến nhau hơn, góp phần làm cho kinh tế huyện nhà phát triển.

HẢI HƯNG