LSVNO - Theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự năm 1999 hay Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” gồm 02 hành vi khách quan, đó là hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và hành vi “chiếm đoạt tài sản”. Đây là 02 dấu hiệu cần và đủ để xác định một người có phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay không? Nếu thiếu một trong hai dấu hiệu trên thì không phải là hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa.
Nội dung vụ việc
Phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa là đơn vị có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa thực hiện quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thi đua khen thưởng; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Nội vụ.
Ngày 01/10/2009, ông Võ Thanh Tùng là Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy đến nhận công tác và giữ chức vụ Trưởng phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa.
Ngày 07/01/2009, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Trinh giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa; ông Trinh trực tiếp phụ trách công tác thi đua, khen thưởng.
Ngày 12/5/2008, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa giao nhiệm vụ cho bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc làm kế toán Phòng Nội vụ; đến ngày 03/6/2013 thì được bổ nhiệm phụ trách kế toán của Phòng Nội vụ.
Ngày 15/4/2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2010/NĐ-CP (Nghị định 42/2010/NĐ-CP) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực thi hành vào ngày 01/6/2010. Theo đó, tiền thưởng đối với tập thể được tặng giấy khen bằng 0,6 lần mức lương tối thiểu chung; đối với tập thể đạt danh hiệu khu phố, ấp văn hóa được tặng giấy chứng nhận thì được thưởng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung.
Căn cứ danh sách các tập thể được khen thưởng, ông Nguyễn Công Trinh đã chỉ đạo cho bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc áp dụng, chi trả tiền thưởng đối với các đơn vị đạt danh hiệu khu phố, ấp, phường văn hóa năm 2010 theo mức tiền thưởng như tập thể được tặng giấy khen là 0,6 lần mức lương tối thiểu chung, với tổng số tiền là 62.040.000 đồng. Số tiền này đã được bà Ngọc chi cho ông Lê Hoàng Tiến, đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố để phát thưởng cho các đơn vị trong Đại hội thi đua phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Sau đó, khi bà Ngọc chưa lập thủ tục quyết toán với ngân sách Nhà nước, ông Trinh đã phát hiện việc áp dụng mức tiền chi thưởng là không đúng, mà phải bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung. Sau khi phát hiện, ông Trinh, bà Ngọc bàn bạc, thống nhất với ông Võ Thanh Tùng đã lập hồ sơ chứng từ quyết toán với ngân sách Nhà nước thành phố Biên Hòa với mức 1,5 lần mức lương tối thiếu theo quy định tại Nghị định 42/2010/NĐ-CP để lấy tổng số tiền chênh lệch là 92.355.000 đồng. Sau khi rút số tiền chênh lệch, ông Tùng đã chỉ đạo cho bà Ngọc giữ và bàn bạc, thống nhất sử dụng số tiền chênh lệch này để chi bù vào một số khoản chi tạm ứng năm 2010 của Phòng Nội vụ nhưng không thể thanh quyết toán như: tiền biếu tết các cấp, tiền tổ chức cho cán bộ công chức Phòng Nội vụ đi du lịch, tiền tiếp khách, ma chay... hết 58.355.000 đồng; số tiền còn lại là 34.000.000 đồng, theo chỉ đạo của ông Tùng, bà Ngọc cất trong tủ cá nhân tại Phòng Nội vụ.
Ngày 16/11/2011, ông Nguyễn Công Trinh tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa ký quyết định kèm theo danh sách khen thưởng đối với ấp, khu phố và vẫn áp dụng mức tiền chi khen thưởng bằng 0,6 lần mức lương tối thiểu nhưng quyết toán 1,5 lần mức lương tối thiểu, rút ra 119.945.000 đồng tiền chênh lệch. Ông Tùng tiếp tục chỉ đạo cho bà Ngọc giữ và chi những nội dung như đã chi năm 2010 với số tiền 94.945.000 đồng. Số tiền còn lại 25.000.000 đồng, ông Tùng tiếp tục giao cho bà Ngọc giữ, không đưa vào hệ thống sổ sách kế toán.
Ngày 14/01/2013, ông Trinh tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa ký quyết định kèm theo danh sách khen thưởng đối với ấp, khu phố và vẫn áp dụng mức tiền chi khen thưởng bằng 0,6 lần mức lương tối thiểu nhưng quyết toán 1,5 lần mức lương tối thiểu, rút ra 152.145.000 đồng chênh lệch và được sử dụng như các năm 2010, 2011 với số tiền 111.045.000 đồng, còn lại 41.100.000 đồng bà Ngọc được ông Tùng giao tiếp tục giữ.
Ngày 21/01/2014, ông Trịnh Tiến Việt là cán bộ bộ phận thi đua tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa quyết định khen thưởng năm 2013 đối khu phố, ấp và phường đạt danh hiệu văn hóa. Tương tự các năm 2010, 2011, 2012 rút ra sau khi quyết toán là 175.950.000 đồng, đã được Phòng Nội vụ sử dụng với những nội dung như năm 2010, 2011, 2012 với số tiền 119.450.000 đồng. Số tiền còn lại 56.500.000 đồng bà Ngọc được ông Tùng giao tiếp tục giữ.
Ngày 05/01/2015, ông Trịnh Tiến Việt lại tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa quyết định khen thưởng năm 2014 đối khu phố, ấp và phường đạt danh hiệu văn hóa, rút ra số tiền chênh lệch là 183.195.000 đồng và cũng được Phòng Nội vụ sử dụng vào các nội dung như năm 2010, 2011, 2012, 2013 với số tiền 127.380.000 đồng. Số tiền còn lại là 55.815.000 đồng bà Ngọc được ông Tùng giao cất giữ.
Như vậy, tổng số tiền ông Tùng, bà Ngọc rút ra từ năm 2010 đến năm 2014 là 723.590.000 đồng. Số tiền này đã sử dụng vào các mục đích như: chi tiền biếu tết các cấp, tiền tổ chức cho cán bộ công chức Phòng Nội vụ đi du lịch, tiền tiếp khách, ma chay, tiền mua quà tặng... là 511.175.000 đồng, còn lại 212.415.000 đồng. Theo bà Ngọc, số tiền này từ khi ông Tùng được bổ nhiệm và chuyển công tác về giữ chức vụ Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa thì không tiếp tục sử dụng nữa. Tuy nhiên, ông Tùng không bàn giao cho ông Nguyễn Công Bình là Trưởng phòng Nội vụ mới, nên ông Bình không biết có số tiền chênh lệch còn lại mà bà Ngọc đã cất giữ tại tủ cá nhân ở cơ quan.
Ngày 10/7/2015, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa có quyết định điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Bình giữ chức vụ Trưởng phòng Nội vụ; ông Bình đã ký ban hành quy chế làm việc Phòng Nội vụ thành phố và giao cho ông Nguyễn Thành Trưởng trực tiếp phụ trách công tác thi đua khen thưởng, bà Nguyên Thị Ánh Nguyệt trực tiếp tham mưu công tác thi đua khen thưởng.
Ngày 11/12/2015, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đã trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định khen thưởng đối với khu phố, ấp và phường đạt danh hiệu văn hóa, nhưng vẫn với mức 0,6 lần mức lương tối thiểu để lấy số tiền chênh lệch. Tuy nhiên, ông Bình đã chỉ đạo cho bà Ngọc không thực hiện việc quyết toán, để ông báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa hướng xử lý. Nhưng ông Bình chưa kịp báo cáo thì có đơn tố cáo về việc sai phạm ở Phòng Nội vụ.
Quá trình làm việc với Thanh tra và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Biên Hòa, do nhận thức được hành vi sai phạm, bản thân ông Tùng, bà Ngọc, ông Trinh đã chủ động nộp khắc phục hậu quả với tổng số tiền chênh lệch từ năm 2010 đến năm 2014 là 723.590.000 đồng vào ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa.
Sau khi Thanh tra Nhà nước và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành phố Biên Hòa kết luận sai phạm tại Phòng Nội vụ, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa đã ban hành quyết định và thành lập Tổ hoàn trả kinh phí khu phố, ấp, phường đạt danh hiệu khu phố, ấp văn hóa và phường văn hóa trên địa bàn thành phố Biên Hòa từ năm 2010 đến 2014, chi trả bổ sung số tiền chênh lệch 723.590.000 đồng.
Ngày 30/11/2017, Cơ quan Điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Võ Thanh Tùng; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ngày 04/12/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã phê chuẩn các quyết định của Cơ quan Điều tra.
Ngày 10/10/2018, Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai có Kết luận giám định số 5920/KLGĐ-STC, kết luận:…“Khoản tiền chênh lệch này, Phòng Nội vụ đã giữ lại chi sai không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định. Đây là khoản tiền Phòng Nội vụ thành phố Biên Hòa đã làm thất thoát và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước thành phố Biên Hòa”.
Lời bình
Theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Hình sự năm 1999 hay Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” gồm 02 hành vi khách quan, đó là hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và hành vi “chiếm đoạt tài sản”. Đây là 02 dấu hiệu cần và đủ để xác định một người có phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay không? Nếu thiếu một trong hai dấu hiệu trên thì không phải là hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Về lý luận, hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm một việc vượt quá quyền hạn của mình. Theo nội dung vụ án thì ông Võ Thanh Tùng và bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc đều được Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa bổ nhiệm và giao thực hiện việc chi trả tiền thưởng cho các đối tượng được thưởng theo quy định của pháp luật; ông Võ Thanh Tùng và bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc không hề có hành vi nào “vượt quá quyền hạn của mình, mà chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để rút tiền từ ngân sách của Nhà nước, mà lẽ ra số tiền này phải chi trả cho các đối tượng được thưởng. Nói cách khác là Võ Thanh Tùng và Nguyễn Thị Hồng Ngọc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “ăn bớt” tiền của các cá nhân và đơn vị được thưởng. Giả thiết số tiền chênh lệch 723.590.000 đồng mà ông Tùng và bà Ngọc “ăn bớt” được rồi chia nhau bỏ túi cá nhân thì hành vi của ông Tùng và bà Ngọc là hành vi “tham ô tài sản”, vì ông Tùng và bà Ngọc là người trực tiếp quản lý số tiền này.
Tuy nhiên, số tiền chênh lệch 723.590.000 đồng mà ông Tùng và bà Ngọc “ăn bớt” được lại sử dụng vào các mục đích như: chi tiền biếu tết các cấp, tiền tổ chức cho cán bộ công chức Phòng Nội vụ đi du lịch, tiền tiếp khách, ma chay, tiền mua quà tặng... đều là những khoản chi không đúng theo quy định, nên tất nhiên cũng không thể có hóa đơn, chứng từ hợp lệ để quyết toán. Các khoản chi này, Cơ quan Điều tra đã chứng minh và thừa nhận là các khoản chi có thực. Mặt khác, số tiền còn lại 212.415.000 đồng, ông Tùng và bà Ngọc cũng không sử dụng cho riêng mình mà vẫn cất giữ tại tủ của bà Ngọc ở cơ quan. Do đó, ông Tùng và bà Ngọc cũng không có hành vi “chiếm đoạt”.
Khi đã không có hành vi “vượt quá quyền hạn và hành vi chiếm đoạt” thì không phải là tội“lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Mặt khác, sau khi có đơn tố cáo, Thanh tra Nhà nước và Ủy ban kiểm tra Thành ủy thành phố Biên Hòa kết luận sai phạm tại Phòng Nội vụ, thì ông Tùng và bà Ngọc đã bỏ tiền túi ra để khắc phục hậu quả về những hành vi chi sai mục đích, đồng thời Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa cũng đã quyết định và thành lập Tổ hoàn trả kinh phí khu phố, ấp, phường đạt danh hiệu khu phố, ấp văn hóa và phường văn hóa trên địa bàn thành phố Biên Hòa từ năm 2010 đến 2014, chi trả bổ sung số tiền chênh lệch 723.590.000 đồng, nên có thể nói “hậu quả đã được khắc phục toàn bộ”.
Thực tiễn cho thấy, đối với các trường hợp tương tự, rất ít khi bị khởi tố, mà chỉ bị xử lý kỷ luật. Nếu đã khởi tố thì có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự “miễn trách nhiệm hình sự” cho ông Tùng và bà Ngọc cũng đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm.
LS Đinh Văn Quế