Các căn cứ để truy tố đối với hành vi “cố ý gây thương tích” của Trần Thị Thanh Hiền có xác đáng?

14/12/2018 23:49 | 5 năm trước

LSVNO – Việc bị can có hành vi gây thương tích cho nạn nhân là đúng, nhưng hậu quả của hành vi này chỉ là 7% thương tích. Các cơ quan tiến hành tố tụng không thể dựa trên các căn cứ mơ hồ, trái...

LSVNO – Việc bị can có hành vi gây thương tích cho nạn nhân là đúng, nhưng hậu quả của hành vi này chỉ là 7% thương tích. Các cơ quan tiến hành tố tụng không thể dựa trên các căn cứ mơ hồ, trái pháp luật để buộc tội một người, vì điều này trái với nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật hình sự Việt Nam.

Ngày 07/5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “cố ý gây thương tích” và quyết định khởi tố bị can đối với Trần Thị Thanh Hiền, theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Nội dung sự việc như sau:

Vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 08/9/2017, Hiền đi đến khu vực nhà đội của Nông trường Cao su Dliê Giang tại thôn 3, xã Dliê Giang để gặp Trần Thị Hạnh - là em cùng cha khác mẹ với Hiền. Do có mâu thuẫn với Hạnh trong việc góp vốn kinh doanh trồng khoai, nên Hiền yêu cầu Hạnh trả lại số tiền đã vay của Hiền trước đây. Hai bên xảy ra tranh cãi, Hiền dùng tay tát vào mặt Hạnh 2 cái. Trong lúc giằng co, Hạnh dùng răng cắn vào tay Hiền, Hiền đã lấy một vỏ quả sầu riêng ở gần đó, đánh một cái trúng vào má bên phải của Hạnh làm Hạnh bị thương. Thấy vậy mọi người chạy đến can ngăn và các bên giải tán ra về.

Ảnh minh họa.

Ngày 10/9/2017, chị Trần Thị Hạnh đến khám và siêu âm tại Phòng khám tư nhân Bác sĩ Phượng, địa chỉ 529, đường Giải Phóng, thị trấn Ea Drăn, huyện Ea H’Leo, kết quả siêu âm kết luận: Kích thước tử cung to hơn bình thường, cấu trúc cơ tử cung đồng nhất, không có khối choáng chỗ, có hình ảnh túi ối trong buồng tử cung, kích thước 14,4mm, có nhiều máu tụ sau nhau. Một thai sống trong tử cung 4 tuần 5 ngày, động thai.

Bác sĩ siêu âm đã cố ý đưa một chi tiết rất nghiêm trọng vào phiếu siêu âm: “có nhiều máu tụ sau nhau”. Nhưng theo các giáo trình sản khoa thì đối với thai 4 tuần tuổi đến dưới 12 tuần tuổi là chưa có nhau thai.

Ngày 11/9/2017, chị Trần Thị Hạnh đến Bệnh viện Đa khoa Ea H’Leo để xin cấp giấy chứng nhận thương tích. Tại đây, Bác sĩ Phượng - là người đã thực hiện việc siêu âm cho chị Hạnh vào ngày 10/9/2017, đã dùng kết quả siêu âm tại phòng khám tư nhân của chính mình để làm căn cứ ghi vào giấy chứng nhận thương tích cho chị Hạnh, việc này là không đúng với quy định của ngành y tế.

Ngày 29/10/2017, chị Hạnh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, kết quả: Trần Thị Hạnh có thai khoảng 09 - 10 tuần tuổi, đã chết lưu.

Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 1304 ngày 01/11/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận tỷ lệ thương tích của Trần Thị Hạnh là: “Vết thương vùng mặt 7%, vật gây ra thương tích là cứng, nhọn. Thai chết lưu 10 tuần 10%, tổng cộng 17%”.

Bản kết luận pháp y nêu trên được Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk lập vào ngày 01/11/2017 (không ghi giờ), cũng đúng là ngày bệnh nhân Trần Thị Hạnh ra khỏi Bệnh viện Thiện Hạnh. Xuất viện vào lúc 11 giờ ngày 01/11/2017, liệu có đủ thời gian để bệnh nhân Hạnh chạy vội vàng đến Trung tâm Giám định pháp y để được giám định hay không và giám định trên cơ sở pháp lý nào, mặc dù trước đó, vào ngày 26/10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo đã ban hành quyết định trưng cầu giám định thương tích, nhưng không thể nào có việc cán bộ điều tra ngồi chờ sẵn ở cổng bệnh viện để đưa chị Hạnh đi giám định vào lúc 11 giờ trưa được. Điều này là hoàn toàn vô lý!

Mặt khác, Bản kết luận pháp y thương tích số 1304 sử dụng các căn cứ: Bệnh viện Ea H’Leo, hồ sơ số 55329/2017; Bệnh viện Thiện Hạnh hồ sơ nội trú.

Hồ sơ 55329/2017 chính là giấy chứng nhận thương tích do Bác sĩ Phượng lập, trên cơ sở phiếu siêu âm do chính Bác sĩ Phượng thực hiện tại phòng khám tư của mình, và điều này là trái với quy định của ngành y tế; việc làm trái này lại được sử dụng làm căn cứ để tiến hành giám định pháp y.

Căn cứ thứ 2 là hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Thiện Hạnh: bệnh nhân Trần Thị Hạnh ra viện lúc 11 giờ ngày 01/11/2017, và khi ra viện, bệnh nhân Hạnh không thể có hồ sơ bệnh án để cầm theo khi đi giám định, vì điều này là trái với quy chế quản lý hồ sơ bệnh án. Như vậy, có thể khẳng định rằng, tại thời điểm bệnh nhân Hạnh được thực hiện việc giám định pháp y, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk chưa có hồ sơ bệnh án của chị Trần Thị Hạnh. Mãi đến ngày 06/11/2017, Bệnh viện Thiện Hạnh mới sao lục hồ sơ bệnh án theo yêu cầu của Trung tâm Giám định pháp y. Như vậy, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành việc giám định khi không có hồ sơ bệnh án, vì hồ sơ bệnh án chỉ có sau khi đã giám định 5 ngày.

Mặc dù với một loạt các căn cứ trái pháp luật như đã nêu trên, ngày 07/8/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo đã ban hành bản kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố số 69/CQĐT đối với Trần Thị Thanh Hiền, sinh năm 1971, cư ngụ tại số nhà 02, đường Quang Trung, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng về hành vi “cố ý gây thương tích”.

Ngày 16/8/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea H’Leo ban hành cáo trạng số 77/CT-VKS để truy tố đối với Trần Thị Thanh Hiền về tội “cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a, c khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Xem xét toàn diện sự việc thì thấy, hồ sơ vụ án đã thể hiện rằng: “Hai bên xảy ra tranh cãi, Hiền dùng tay tát vào mặt Hạnh 2 cái, trong lúc giằng co, Hạnh dùng răng cắn vào tay Hiền, Hiền đã lấy một vỏ sầu riêng ở gần đó, đánh một cái trúng vào má bên phải của Hạnh làm Hạnh bị thương tích. Thấy vậy mọi người chạy đến can ngăn và mọi người ra về”.

Sự việc diễn ra như mô tả của kết luận điều tra chỉ đơn giản như vậy và hoàn toàn không có việc cào cấu, hay giằng xé, hoặc vật lộn gì nhau để có thể gây nên kết quả “động thai” như kết luận giám định pháp y ghi nhận.

Mặt khác, sau khi xảy ra việc xô xát như hồ sơ thể hiện vào ngày 08/9/2017, đến ngày 29/10/2017 Trần Thị Hạnh mới đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, với kết quả thai từ 09 - 10 tuần đã chết lưu. Trong khoảng thời gian hơn 50 ngày này, lấy gì để bảo đảm rằng chị Trần Thị Hạnh không làm một việc gì khác, hoặc không bị bất kỳ tác động gì có thể ảnh hưởng đến cái thai?

Về tình tiết định khung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là “dùng hung khí nguy hiểm”, chúng tôi không tìm thấy tên vỏ sầu riêng là hung khí nguy hiểm trong danh mục những loại hung khí nguy hiểm; như vậy, việc áp dụng tình tiết này liệu có phù hợp?

Về tình tiết định khung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự: “đối với phụ nữ mà biết là có thai…”. Tình tiết này nhằm trừng trị người có hành vi cố ý gây thương tích cho phụ nữ đang có thai, nhưng với điều kiện là người có hành vi cố ý gây thương tích phải biết người bị hại đang có thai.

Đối chiếu với trường hợp của chị Trần Thị Hạnh thì thấy, tại thời điểm xảy ra sự việc, chị Trần Thị Hạnh không tồn tại mối quan hệ hôn nhân với bất kỳ ai, là người phụ nữ chưa có gia đình, thì theo thông thường, chị Hạnh phải giấu chuyện mình đang mang thai, hoặc nếu không giấu thì cũng không thể đi đâu cũng bi bô rằng mình đang mang thai. Do đó, việc quy kết cho bị can Trần Thị Thanh Hiền biết chị Hạnh đang mang thai khi thai nhi chỉ 4 tuần tuổi là không có căn cứ.

Trong thực tế, tại thời điểm xảy ra xô xát, cái thai của chị Hạnh chỉ mới 4 tuần tuổi, thì không thể nhìn thấy bất kỳ điều gì biểu hiện ra bên ngoài của người có thai mà buộc mọi người biết và phải biết.

Có thể nói rằng, việc quy kết cho bị can Trần Thị Thanh Hiền biết chị Trần Thị Hạnh có thai là võ đoán, không có căn cứ, gây bất lợi và chỉ nhằm buộc tội cho bị can Trần Thị Thanh Hiền.

Nói tóm lại, việc bị can Trần Thị Thanh Hiền có hành vi gây thương tích cho chị Trần Thị Hạnh là đúng, nhưng hậu quả của hành vi này chỉ là 7% thương tích. Các cơ quan tiến hành tố tụng không thể dựa trên các căn cứ mơ hồ, trái pháp luật để buộc tội một người, vì điều này trái với nguyên tắc suy đoán vô tội của pháp luật hình sự Việt Nam.

LS Tạ Quang Tòng