Đối tượng nào được ra đường sau 18h tại TP. HCM từ 16/8/2021?

15/08/2021 23:01 | 3 năm trước

(LSVN) - TP. HCM sẽ kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong. Vậy, theo quy định, trong đợt giãn cách này, các đối tượng nào được ra đường sau 18h tại TP. HCM từ 16/8/2021?.

Ngày 15/8/2021, UBND TP. HCM đã ban hành Công văn số 2718/UBND-VX về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng, chống Covid-19. Công văn nêu rõ, tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân.

Theo đó, đối với khung giờ từ 18 giờ 00 ngày trước đến 06 giờ 00 ngày sau:

Yêu cầu mọi người dân trên địa bàn Thành phố tiếp tục hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động; trừ các trường hợp sau:

+ Đi tiêm vaccine, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

+ Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh (thực hiện theo Công văn số 2654/UBND-KT ngày 09 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố).

+ Các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép và cán bộ, người lao động của các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam khu vực phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phục vụ các chuyến bay chở hàng, trang thiết bị y tế, vaccine.

+ Nhân viên của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu (lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế); nhân viên giao hàng các thiết bị, vật tư y tế như bình oxy cho người nhiễm Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà (các ca bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ), các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

+ Nhân viên của các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

+ Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo.

+ Dịch vụ vận chuyển bưu chính và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính KT1 (phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, văn bản mật).

+ Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật.

+ Các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư, giao hàng của các doanh nghiệp logistics phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu, trang thiết bị y tế. Xe ô tô phục vụ hỗ trợ y tế (xe cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân), xe taxi được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động để vận chuyển người dân trong các trường hợp cần thiết; lái xe và nhân viên phục vụ đi cùng trên các phương tiện này.

+ Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của Thành phố.

Ngoài ra, đối với khung giờ từ 06 giờ 00 đến 18 giờ 00 hàng ngày

Tiếp tục kiểm soát việc di chuyển trên địa bàn Thành phố của các nhóm đối tượng được phép hoạt động theo chỉ đạo tại Công văn số 2468/UBND-VX ngày 23 tháng 7 năm 2021 và các Công văn số 2522, 2523/UBND-VX ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Cho phép thêm các nhóm đối tượng sau được hoạt động gồm: các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...); các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, toà nhà, chung cư; bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân và nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, giao nhận thanh toán không tiếp xúc và có các đặc điểm nhận diện theo Công văn số 2491/UBND-ĐT ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố; người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm. Lưu ý: tất cả các đối tượng trên phải có dấu hiệu nhận diện khi lưu thông trên đường theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (bao gồm cơ quan, đơn vị nhà nước của Trung ương trú đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh) bố trí không quá 1/4 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị (trừ lực lượng vũ trang và ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19); riêng các đơn vị đặc thù có văn bản gửi Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định.

HỒNG HẠNH

Quyền được tiếp xúc với người bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, tạm giam theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam

Từ khoá : lsvn.vn LSVN