(LSO) – Khu vực ASEAN mang đến những cơ hội mới cho các nhà đầu tư Mỹ, đặc biệt là trong thời điểm nước này đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Các khu kinh tế đặc biệt (SEZ) của khối có thể giúp tạo thuận lợi cho thương mại lớn hơn giữa ASEAN và Mỹ thông qua các ưu đãi tài chính và phi tài chính khác nhau.
Tổng thương mại song phương giữa hai khu vực đạt hơn 260 tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chính của ASEAN gồm các sản phẩm điện, máy móc, dệt may và hàng hóa.
Để củng cố sự nổi lên như một khối thương mại hùng mạnh, các quốc gia thành viên ASEAN đã thúc đẩy các khu kinh tế đặc biệt (SEZ) như một nền tảng cho những nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
Các SEZ – bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất đặc biệt, khu công nghệ – ngày càng nổi bật sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015, và giờ đây là công cụ để thu hút các nhà đầu tư Mỹ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
Tổng thương mại hai chiều giữa ASEAN và Mỹ đạt 260 tỷ USD vào năm 2018. Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN.
Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu từ ASEAN sang Mỹ là thiết bị điện tử, máy móc, dệt may và giày dép. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, lên tới 49,2 tỷ USD vào năm 2018, cùng với Malaysia (39,4 tỷ USD), Thái Lan (31,9 tỷ USD), Singapore (27 tỷ USD) và Indonesia (21 tỷ USD).
Các thông tin cơ bản về SEZ của các nước ASEAN thường được các nhà đầu tư Mỹ tìm kiếm trước khi ra các quyết định đầu tư kinh doanh.
Thái Lan
Năm 2015, Thái Lan đã bắt đầu phát triển 10 SEZ nằm trên các khu vực biên giới tiếp giáp với Myanmar, Malaysia, Lào và Campuchia. Mục đích là tận dụng lợi thế thương mại biên giới giữa các nước láng giềng trị giá 1 nghìn tỷ Baht (32 tỷ USD) riêng trong xuất khẩu năm 2018. Chính phủ đã tuyên bố rằng tổng đầu tư vào SEZ của họ đã đạt 23 tỷ USD kể từ năm 2015.
Các mặt hàng xuất khẩu chính từ Thái Lan sang Mỹ bao gồm máy tính, lốp cao su, bán dẫn, chip máy tính và đá quý, tổng trị giá hơn 30 tỷ USD vào năm 2019.
Chính phủ đã nhắm mục tiêu 13 lĩnh vực ưu tiên được phát triển thông qua các SEZ, bao gồm công nghiệp nông nghiệp, sản xuất động cơ và phụ tùng xe, sản xuất hàng dệt may và nhiều ngành khác. Các doanh nghiệp được thành lập tại SEZ được cung cấp nhiều ưu đãi khác nhau, từ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tám năm và giảm 50% thuế TNDN trong năm năm.
Ngoài ra còn có các ưu đãi thuế hơn nữa thông qua chính sách “Thái Lan Plus” Một phần của chính sách này khuyến khích sự phát triển của ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), rất quan trọng cho sự tiến bộ của nhiều hoạt động sản xuất trong các SEZ.
Indonesia
Nước này hiện đang vận hành 13 SEZ nằm trên toàn quần đảo rộng lớn, mang đến cơ hội phát triển đầu tư vào sản xuất, nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và du lịch.
Ba khu đã được ra mắt vào năm 2019 với một khu nằm ở tỉnh Đông Kalimantan – địa điểm được đề xuất cho thủ đô mới – và thêm bảy khu hiện đang trong giai đoạn phát triển, tất cả nhằm mục đích thu hút hơn 50 tỷ USD đầu tư vào SEZ trong thập kỷ tới. Hơn 25 tỷ USD thương mại được thực hiện giữa Indonesia và Mỹ vào năm 2019, đặc biệt là hải sản, cao su, dệt may và hàng may mặc, dầu cọ và các sản phẩm dầu.
Quốc gia này áp dụng nhiều ưu đãi về thuế, như bỏ thuế TNDN trong 20 năm đối với các khoản đầu tư trị giá hơn 1,4 tỷ USD, cũng như các ưu đãi khác cho các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu hoạt động trong SEZ.
Philippines
Philippines có 12 SEZ hoặc khu vực cảng tự do, 22 khu kinh doanh nông nghiệp và hơn 300 khu kinh tế trải rộng khắp đất nước. Các khu kinh tế này được phân loại thành sản xuất, du lịch, kỹ thuật số và du lịch y tế.
Sản xuất bộ phận máy tính, chip máy tính, máy biến thế và cáp cách điện là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ năm 2019, lên tới hơn 12 tỷ USD.
Có bảy cơ quan xúc tiến đầu tư chính (IPA) với cơ quan lớn nhất là Cơ quan Khu kinh tế Philippines (PEZA). Mỗi IPA có quyền cấp các ưu đãi tài chính và phi tài chính của riêng mình. Chúng bao gồm từ miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, miễn thuế đến 100% thuế TNDN và các dịch vụ hỗ trợ thị thực cho các nhà đầu tư nước ngoài và người thân của họ.
Tuy nhiên với sự ra đời của Đạo luật CREATE, một luật mới nhằm hợp lý hóa các ưu đãi thuế cụ thể do IPA ban hành, IPA sẽ không còn được trao quyền ban hành các ưu đãi riêng của họ và sẽ phải tuân theo các quy tắc mới được đặt ra bởi CREATE.
Singapore
Singapore có cảng lớn nhất thế giới theo khối lượng vận chuyển nhưng có diện tích đất nước quá nhỏ để có đất cho các khu vực SEZ. Thay vào đó, họ đã hợp tác với Malaysia để lập ra Iskander SEZ ở Johor Baru gần đó và với Indonesia để lập ra khu chế xuất Batam.
Cả hai đều rất thành công, đặc biệt là đối với các công ty Singapore, họ đang sử dụng các khu vực này làm cơ sở cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu khắp châu Á và thế giới.
Indonesia gần đây tạo điều kiện hơn nữa trong việc cấp giấy phép kinh doanh tại Batam và Cơ quan Thương mại Tự do Batam Indonesia cho biết khu này có thể thu hút khoản đầu tư trị giá 60 tỷ USD.
Tổng thương mại giữa Singapore và Mỹ đạt 57 tỷ USD vào năm 2019, chủ yếu là các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, như vắc-xin, bộ phận động cơ, động cơ máy bay, dịch vụ tài chính, nghiên cứu và phát triển và dịch vụ quản lý chuyên nghiệp.
Việt Nam
Việt Nam đã bắt đầu mở rộng chính sách khu vực phát triển bao gồm 18 khu kinh tế ven biển và 325 khu công nghiệp được nhà nước hỗ trợ. Các khu kinh tế này cung cấp các ưu đãi riêng của họ từ miễn thuế quan đến thuế thu nhập cá nhân thấp.
Việt Nam được xếp thứ 11 về tổng giá trị thương mại năm 2019 với Mỹ, với tổng trị giá hơn 25 tỷ USD. Xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Mỹ là hàng dệt may với 1,1 tỷ USD, hơn 3 tỷ USD điện thoại di động và thiết bị liên quan và 1 tỷ USD đồ nội thất.
Malaysia
Malaysia thành lập năm hành lang đầu tư, một loại SEZ mới.
Malaysia xuất khẩu hơn 4 tỷ USD chip máy tính sang Mỹ mỗi năm, hơn 890 triệu USD chất bán dẫn, 600 triệu đô la Mỹ điện thoại di động và hơn 400 triệu USD cao su và phụ kiện.
Vào năm 2018, các hành lang đầu tư đã tạo ra gần 2 triệu việc làm và đã thu hút các khoản đầu tư trị giá 788 tỷ RM (188 tỷ USD). Hành lang Iskander SEZ đã định vị bờ biển phía đông Malaysia là khu vực trọng điểm để phát triển thương mại tự do ASEAN, đã thực hiện các khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2018 với tổng trị giá 150 tỷ RM (35 tỷ USD). Kể từ khi thành lập vào năm 2006, khu vực này đã tăng gấp đôi quy mô và đang trên đà đạt được mục tiêu đầu tư là 91 tỷ USD vào năm 2025.
Hành lang ECER, một SEZ khác, được thành lập nhằm thu hút 120.000 việc làm mới và 70 tỷ Ringgits (16 tỷ USD) đầu tư vào năm 2025. ECER cung cấp các ưu đãi cho các nhà đầu tư, như miễn thuế thu nhập 100% trong 10 năm và các ưu đãi khác.
Campuchia
Campuchia có 31 SEZ trên cả nước bao gồm bốn khu vực, cụ thể là khu vực Phnom Penh, khu vực Sihanoukville, khu Manhattan và khu vực Tai Seng Bavet. Nước này ghi nhận khoảng 5 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ.
Các sản phẩm xuất khẩu chính chủ yếu là hàng dệt may, sản phẩm da và giày dép, chiếm hơn 1 tỷ USD mỗi năm.
Cơ quan chịu trách nhiệm về các khu SEZ là Ủy ban đặc khu kinh tế Campuchia, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hội đồng phát triển Campuchia. Các ưu đãi thuế khác nhau cũng được áp dụng, từ miễn thuế TNDN 100% đến chín năm cho đến miễn thuế xuất nhập khẩu.
Một số công ty đáng chú ý của Hoa Kỳ đầu tư vào SEZ của Campuchia bao gồm Coca-Cola, đã mở một nhà máy trị giá 100 triệu USD tại Phnom Penz SEZ (PPSEZ) vào năm 2016. Kể từ đó, các thương hiệu khác, như Apple, Timberland, Puma và IBM đã thành lập sự hiện diện tại PPSEZ.
Myanmar
Nước này đã thành lập Thilawa SEZ vào năm 2011 và chính thức hoạt động vào năm 2015. Hai SEZ khác vẫn đang được tiếp tục phát triển, đó là SEZ Dawaei và Kyuakpyu. Tổng thương mại giữa Myanmar và Mỹ có giá trị 1,1 tỷ USD vào năm 2019 với phần lớn hàng xuất khẩu sang Mỹ là hàng dệt may và hàng da.
Dự án Thilawa SEZ là một liên doanh giữa chính phủ Myanmar và Nhật Bản. 90 công ty quốc tế đã chuyển đến khu vực này từ năm 2015, gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đóng tàu đến sản xuất hàng may mặc.
Thilawa SEZ cũng đã phát triển một trung tâm dịch vụ một cửa để cung cấp dịch vụ hiệu quả cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trung tâm bao gồm các quan chức từ 13 bộ và sử dụng công nghệ tiên tiến để xử lý giấy phép kinh doanh bên cạnh việc cung cấp thông tin pháp lý quan trọng.
Thông qua các SEZ, chính phủ đã cung cấp ưu đãi thuế và các biện pháp hỗ trợ cho các nhà đầu tư, bao gồm miễn hoàn toàn thuế TNDN trong tám năm đầu hoạt động và giảm thuế 50% trong năm năm tiếp theo.
LÊ HÙNG/ASEANBRIEFING