/ Pháp luật - Đời sống
/ Các ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo nhắn tin, cho vay tiền online dịp Tết

Các ngân hàng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo nhắn tin, cho vay tiền online dịp Tết

20/01/2023 12:24 |

(LSVN) - Nhằm giúp khách hàng nâng cao cảnh giác khi giao dịch với ngân hàng, đặc biệt là các giao dịch online và bảo vệ thông tin, tài sản cá nhân, hàng loạt ngân hàng thương mại vừa đưa ra cảnh báo và tổng hợp các hình thức lừa đảo mới diễn ra gần đây, đồng thời khuyến cáo tới khách hàng.

Ảnh minh họa.

Các ngân hàng đặc biệt lưu ý khách hàng không thực hiện các hành vi bị cấm như mua, bán, thuê, cho thuê, cho mượn, mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng hoặc thông tin thẻ... tránh tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng thông tin, tài khoản, thẻ ngân hàng trong các mục đích giao dịch bất hợp pháp như tổ chức đánh bạc, mạo danh cơ quan Công an... trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Các chiêu thức lừa đảo phổ biến hiện nay gồm: Giả mạo đầu số tin nhắn SMS ngân hàng gửi tin nhắn có nội dung thông báo về dịch vụ, yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn (link) giảo mạo gần giống với website của ngân hàng; hoặc mạo danh ngân hàng để cho vay tiền online, mời rút tiền từ thẻ tín dụng. 

Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cho biết kẻ gian thường gửi tin nhắn từ đầu số lạ hoặc mạo danh thương hiệu ngân hàng để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí... và hướng dẫn khách hàng ấn vào đường link trong tin nhắn để cung cấp thông tin xác thực. 

Hoặc một cách mạo danh khác là đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng. Sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện hoặc gửi tin nhắn hiển thị tên thương hiệu của ngân hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền…

Các ngân hàng đều khẳng định tuyệt đối không gửi tin nhắn nào có gắn đường link yêu cầu khách hàng cung cấp hay nhập tên đăng nhập và mật khẩu Internet Banking, mã xác thực OTP,... Các tin nhắn giả mạo thường kèm đường link lạ không dẫn đến các địa chỉ chính thức của ngân hàng, do vậy khách hàng tuyệt đối không truy cập để tránh bị mất thông tin tài khoản, thiệt hại tài sản.

Khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra tin nhắn SMS nhận được có phải của ngân hàng gửi hay không bằng cách: Sao chép tin nhắn BrandName đang nghi là giả mạo; gửi tin nhắn đã sao chép đến đầu số của nhà mạng để kiểm tra: 9548 (mạng Viettel), 9241 (mạng Mobifone), 1551 (mạng Vinaphone). Sau khi gửi tin, nhà mạng sẽ phản hồi cho biết tin nhắn đó có phải giả mạo hay không.

Với chiêu thức lừa đảo mạo danh ngân hàng để cho vay tiền online, mời rút tiền từ thẻ tín dụng, kẻ gian thường mạo danh ngân hàng trên nền tảng số (Facebook, Zalo, Telegram, Viber, Email,... ) bằng cách sử dụng tên gọi, logo, hình ảnh đại diện, giả mạo yếu tố xác thực (dấu tick xanh/cam,... ) giống với ngân hàng hoặc số điện thoại có đầu số 1900**** (dạng như tổng đài) để gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Từ các tài khoản mạng xã hội và tổng đài mạo danh này, kẻ gian gửi tin nhắn hoặc gọi điện chào mời khách hàng vay tiền với lãi suất hấp dẫn, hoặc mời rút tiền từ thẻ tín dụng với cam kết dễ dàng đáo hạn hàng tháng, dễ dàng chuyển trả góp với phí và lãi suất cực thấp. Sau đó, kẻ gian yêu cầu cung cấp số căn cước công dân, sổ hộ khẩu, số tài khoản, số thẻ ngân hàng,... để lập hồ sơ vay và thực hiện các hành vi lừa đảo. 

Các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng nộp các khoản phí làm hồ sơ, phí ứng trước khoản vay, nhập số tiền cần rút từ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền “phí” các loại, khách hàng chờ mòn mỏi không thấy giải ngân, hoặc chỉ được giải ngân một phần, số tiền còn lại sẽ bị chúng chiếm đoạt, đồng thời chặn mọi liên lạc từ phía khách hàng.

Để phân biệt được thật, giả, khách hàng cần lưu ý website của ngân hàng không bao giờ có tên miền bất thường và thường được đánh dấu an toàn bằng hình “ổ khoá” bên cạnh. Tài khoản mạng xã hội của ngân hàng gồm Facebook, Tiktok luôn có dấu tick xanh bên phải, trong khi tài khoản Zalo có dấu tick cam.

Khách hàng cũng có thể kiểm tra chính xác email, số hotline của ngân hàng thông qua truy cập website hoặc tài khoản mạng xã hội chính thức của ngân hàng. 

Theo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an phát hiện các đối tượng gian lận hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ, thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác, để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật.

Do đó, Vietcombank, Bac A Bank cùng hàng loạt các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở tài khoản ngân hàng, không cho mượn hoặc cho thuê tài khoản thanh toán, không cho mượn, cho thuê ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử.

Vietcombank khuyến cáo khi có bất cứ nghi vấn liên quan đến hành vi mua bán, trao đổi trái phép thông tin tài khoản, khách hàng liên hệ ngay cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ngân hàng để được trợ giúp.

Ngoài ra, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng, số thẻ tín dụng, mã CVV, ví điện tử và mã OTP cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.

Để tránh bị kẻ gian lừa đảo, khách hàng cần nâng cao cảnh giác với các chiêu thức như cảnh báo trên, đồng thời chủ động quản lý thông tin, sử dụng tài khoản, thẻ ngân hàng an toàn hơn bằng cách: Sử dụng ứng dụng xác thực qua tin nhắn SMS; cài đặt phương thức bảo mật hai lớp trên app; xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng và công ty viễn thông; liên lạc trực tiếp và nhận thông tin qua các kênh chính thức của ngân hàng.

Với thủ đoạn tinh vi, kẻ gian sử dụng "bẫy" tâm lý cùng nhiều hình thức lợi dụng lòng tin để tiếp cận, lừa đảo khách hàng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo cuộc gọi từ cơ quan điều tra; mạo danh nhân viên mạng viễn thông chuyển đổi, nâng cấp SIM miễn phí để chiếm đoạt quyền sử dụng SIM và sử dụng thông tin để đăng nhập, chiếm đoạt tiền trong tài khoản, các ví điện tử liên kết; Lừa đảo mua bán hàng, tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao" trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội (Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok... ); Lập tài khoản giả mạo hoặc hack tài khoản để nhắn tin vay mượn tiền, nhận tiền từ nước ngoài.

Ngân hàng khuyến cáo khách ưu tiên sử dụng ứng dụng trên điện thoại để thực hiện các giao dịch trực tuyến hoặc truy cập dịch vụ Internet Banking duy nhất tại địa chỉ website chính thức của ngân hàng. Không cung cấp mọi thông tin, hình ảnh cá nhân qua Facebook/Zalo vì bất cứ mục đích gì. Không đăng nhập tài khoản ngân hàng điện tử tại các thiết bị của người khác.

PV

Dự thảo quy định về quan hệ phối hợp hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Bùi Thị Thanh Loan