Ảnh minh họa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng vốn cho nền kinh tế và giảm mặt bằng lãi suất, vừa qua Hiệp hội, Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức họp bàn với tất cả các ngân hàng thương mại để thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó đạt được sự đồng thuận cao về ổn định đà tăng của lãi suất.
Theo đó, để giảm được lãi suất cho vay, trước tiên phải giảm được lãi suất đầu vào, là lãi suất huy động tiết kiệm từ dân cư. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy lãi suất huy động lên 11%/năm để đảm bảo nguồn huy động vốn, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt mức 9,5% này phải bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng tặng kèm khi gửi tiết kiệm, từ đó mới có điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phấn đấu giảm từ 0,5 - 2%/năm.
Mặc dù áp lực tăng lãi suất từ thế giới là không nhỏ, nhưng đại diện nhiều ngân hàng tham gia hội nghị cũng thống nhất sẽ cố gắng kiềm chế đà tăng của lãi suất. Tuy nhiên, để có thể tránh tình trạng cạnh tranh lãi suất tiền gửi và có đủ nguồn vốn cho cung ứng tín dụng thì nhiều ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ thanh khoản với kỳ hạn dài hơn từ 2 - 3 tháng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã có công văn báo cáo Ngân hàng Việt Nam và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại liên quan vấn đề thanh khoản từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023 và thống nhất mức lãi suất huy động không quá 9,5%/năm.
Tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng cũng thống nhất với mức lãi suất huy động tối đa không quá 9,5%/năm này và cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
PV