/ Trợ giúp pháp lý
/ Các nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời điểm áp dụng giãn cách tại TP. Hồ Chí Minh

Các nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời điểm áp dụng giãn cách tại TP. Hồ Chí Minh

25/07/2021 03:11 |

(LSVN) - Trong thời gian TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thỉ 16 như hiện nay thì các nhóm đối tượng, các ngành nghề sản xuất nào được phép hoạt động? Bạn đọc Q.A. hỏi.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký ban hành văn bản số 2468/UBND-VX ngày 23/7/2021 về việc tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trước tình hình hết sức cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường, để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân TP, hạ thấp số ca nhiễm mới, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại Công văn số 2279/UBND-VX ngày 08/7/2021 và các Công văn khác từ ngày 09/7/2021 đến nay. Đồng thời, tăng cường thực hiện thêm một số biện pháp trong thời gian từ nay đến hết 01/8.

Công văn nêu rõ các nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời điểm áp dụng giãn cách bao gồm: Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể tổ chức hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách; khuyến khích các đơn vị áp dụng phương thức “3 tại chỗ” để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào đơn vị.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu: y tế (trừ các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa), dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, các khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, duy tu các lĩnh vực giao thông đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ; các đơn vị đang phục vụ công tác hậu cần trong phòng, chống dịch; các cơ sở lưu trú (khách sạn) đang thực hiện hỗ trợ các đội ngũ y bác sĩ lưu trú và phục vụ cách ly cho các chuyên gia và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và công tác phòng chống dịch bệnh; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp dịch vụ logistic; các doanh nghiệp sản xuất đã đăng ký và bảo đảm công tác an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”.

Các loại hình giao thông vận tải được phép lưu thông bao gồm vận chuyển hàng hóa đường thủy (hàng hải, đường thủy nội địa), bến phà, các bến thủy (Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An, Thạnh An - Thiềng Liềng); giao thông đường bộ: xe công vụ, các loại phương tiện vận tải có mã (QR code) nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào, trên địa bàn thành phố hoặc lưu thông qua Thành phố, xe ô tô, mô tô của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước (công chức, viên chức), lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân Thành phố về quê theo kế hoạch; xe đưa rước công nhân, chuyên gia đối với các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất”; xe taxi (được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động) chở hàng thiết yếu cho siêu thị và chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế và trong trường hợp cần thiết; xe mô tô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hoá thiết yếu (phải đảm bảo yêu cầu về phòng dịch - thực hiện 5K) được Doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong thời gian giãn cách; xe vận chuyển đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người dân kết thúc thời gian cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung, người bệnh Covid-19, người xuất viện từ các khu bệnh viện điều trị Covid-19 về nơi cư trú (được cấp phép hoạt động hoặc có giấy vận chuyển của Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế).

Các chợ truyền thống được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy mô giảm còn khoảng 30%, chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được hoạt động; có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không gian mở, thoáng có màng ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn, thực hiện nghiêm giãn cách; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.

Các công trình xây dựng, giao thông thật sự cấp bách: chỉ cho phép triển khai thi công đối với các công trình đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”. Chủ đầu tư (nhà đầu tư) chịu hoàn toàn trách nhiệm về công tác phòng chống dịch tại các công trình triển khai thi công.

PHƯƠNG HOA

Hà Nội: Người dân cần đăng ký trước khi xét nghiệm Covid-19

Lê Minh Hoàng