/ Tin tức
/ Các quảng cáo 'lương y gia truyền' chữa khỏi tiểu đường, ung thư trên mạng là lừa đảo

Các quảng cáo 'lương y gia truyền' chữa khỏi tiểu đường, ung thư trên mạng là lừa đảo

18/11/2024 15:24 |

(LSVN) - Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), tình trạng quảng cáo "lương y gia truyền", chữa khỏi nhiều bệnh mãn tính như: tiểu đường, ung thư xuất hiện rầm rộ trên các nền tảng kênh mạng xã hội TikTok, YouTube là giả mạo.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý y, dược cổ truyền nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ sở y học cổ truyền làm ăn chân chính, lương y sở hữu bài thuốc y học cổ truyền bị các đối tượng mạo danh, quảng cáo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, đe dọa sức khỏe người dân.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của dược liệu y học cổ truyền. Các thành tựu của y học cổ truyền và cơ sở đông y uy tín đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa. Ảnh: Cục An toàn thông tin.

Ảnh minh họa. Ảnh: Cục An toàn thông tin.

Nhiều trường hợp thậm chí công khai cả số điện thoại, khiến nhiều người dân tin và mua sản phẩm về chữa bệnh như trường hợp một lương y ở Lào Cai.

Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các thông tin được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin hoặc đối tượng thông qua những trang thông tin chính thống;

Không tham gia vào các hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến; Không thực hiện mua bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, hay giao dịch với các đối tượng không rõ danh tính.

Người dân chỉ nên sử dụng thuốc đông y có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng. Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn.

Trong trường hợp không thể đến trực tiếp khám chữa bệnh, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.

Nếu nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

TRẦN VŨ

Các tin khác