/ Nhìn ra thế giới
/ Các quốc gia áp đặt quy định nào với xe đưa đón để đảm bảo an toàn cho học sinh?

Các quốc gia áp đặt quy định nào với xe đưa đón để đảm bảo an toàn cho học sinh?

31/05/2024 14:42 |

(LSVN) - Trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón, thậm chí bị nhốt trong xe nhiều giờ vào những ngày oi bức là kịch bản khiến nhiều người sợ hãi, nhưng sự việc đáng tiếc này đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Xe đưa đón học sinh tại Mỹ. Ảnh minh hoạ: Zum.

Nhu cầu đưa đón trẻ em đến trường và về nhà an toàn là điều hiển nhiên. Một số quốc gia, chẳng hạn Vương quốc Anh, coi việc đưa đón học sinh từ nhà đến trường và từ trường về nhà là trách nhiệm của hệ thống giáo dục tiểu học và trung học. Tại Mỹ, các nhà giáo dục coi việc đưa đón học sinh chính là cửa ngõ của giáo dục và là yếu tố cân bằng kinh tế xã hội. Ở những quốc gia này, quy định an toàn đối với xe đưa đón luôn được thực hiện nghiêm ngặt, là yêu cầu quan trọng để đảm bảo việc đưa đón học sinh an toàn, hiệu quả và bền vững.

Ở hầu hết các quốc gia phát triển, xe buýt đưa đón học sinh là phương tiện rất được ưa chuộng. Xe buýt tiết kiệm, linh hoạt, tương đối an toàn và ngày càng trở nên phổ biến. 

Các quốc gia như Mỹ, Canada và New Zealand có nhiều năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh đến trường. Tại Mỹ, xe buýt trường học đã đưa đón trẻ em đã có từ khoảng 100 năm trước. Mỗi ngày có tới 25 triệu trẻ em di chuyển bằng xe đưa đón, với gần 480.000 xe buýt trường học đang hoạt động.

Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) ước tính xe đưa đón an toàn hơn ô tô cá nhân gấp 87 lần.  Thế nhưng, vẫn có một số sự việc trẻ bị bỏ quên trên xe gây hậu quả đáng tiếc. Do đó, giới chức đã yêu cầu các phương tiện đưa đón học sinh phải lắp đặt thiết bị đặc biệt.

Tại bang California của Mỹ, quy định trên được đưa ra sau cái chết thương tâm của Paul Lee, 19 tuổi, học sinh có nhu cầu đặc biệt, người đã bị bỏ quên trên xe buýt suốt 9 tiếng đồng hồ dưới cái nóng 32 độ. Lái xe đã không kiểm tra xe trước khi đỗ xe ở sân Whittier, California vào ngày 11/9/2015. Theo đó, xe buýt chở học sinh phải lắp đặt hệ thống cảnh báo an toàn trẻ em. Đây là còi báo động đặt phía cuối xe, kết nối với động cơ. Sau khi lái xe tắt động cơ, lái xe phải đi xuống cuối xe để tắt thiết bị. Nếu lái xe quên kiểm tra xe, còi sẽ vang lên nhằm cảnh báo mọi người. 

Nhiều nơi ở Mỹ cũng phát triển ứng dụng cho phép phụ huynh tra cứu chính xác địa điểm của con họ nhờ thẻ Z-Pass mà học sinh sử dụng để quét cảm biến trên xe buýt. Ngoài ra, lái xe còn được cấp một máy tính bảng để theo dõi học sinh trên xe. Xe đưa đón học sinh cũng được trang bị camera đề phòng các trường hợp trộm cắp hoặc bắt nạt. 

Tại Hàn Quốc, giới chức đã áp đặt quy định yêu cầu các trường mẫu giáo và trường học lắp đặt hệ thống giám sát trên xe để kiểm tra có trẻ nào bị bỏ quên trên xe hay không. Theo quy định mới, xe đưa đón học sinh phải được trang bị hệ thống kiểm tra trẻ ngủ quên. Sau khi đỗ xe, lái xe sẽ phải tắt hệ thống bằng cách nhấn nút hoặc gắn thẻ ở phía cuối xe. Nếu người lái xe không tắt hệ thống trong vòng 3 phút sau khi tắt động cơ, chuông báo động sẽ reo lên. Những người lái xe không tuân thủ quy định sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 115 USD.

Quy định trên được đưa ra sau vụ việc thương tâm hồi tháng 7/2018. Khi đó, một bé gái 4 tuổi được phát hiện tử vong trong xe buýt ở Dongducheon, tỉnh Kyunggi, 7 giờ sau khi bị bỏ quên một mình giữa thời tiết nắng nóng. Không ai ở trung tâm giữ trẻ nhận ra cô bé vẫn còn trên xe. Năm 2016, một cậu bé 4 tuổi khác được phát hiển bất tỉnh sau khi bị bỏ quên trong xe buýt suốt hơn 7 giờ đồng hồ dưới cái nóng thiêu đốt.

Tại Thái Lan, sự việc trẻ bị bỏ quên trong xe cũng ngày càng phổ biến. Cơ quan Xúc tiến Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) đã giới thiệu hệ thống mới dành cho xe buýt trường học giúp nhà trường và phụ huynh theo dõi tình trạng của học sinh trên xe, cung cấp thêm một lớp bảo vệ an toàn trước trường hợp trẻ em bị bỏ quên một mình trong xe. Hệ thống mang tên Smart School Bus được trang bị GPS để theo dõi vị trí của xe, thiết bị theo dõi học sinh và hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý và báo cáo thông tin như tốc độ xe, điều kiện và trạng thái của trẻ trên xe.

Thông tin do các phương tiện được trang bị hệ thống này cung cấp sẽ được gửi đến phụ huynh thông qua một ứng dụng đồng hành và các trường học sẽ có thể truy cập trực tuyến. Phụ huynh sẽ nhận được thông báo khi xe đến gần nhà, khi con xuống xe ở trường và khi con về đến nhà.

Hệ thống Smart School Bus cũng được trang bị cảm biến hoạt động song song với các thiết bị theo dõi để phát hiện bất kỳ trẻ em nào bị bỏ quên trong xe. Giáo viên có thể gọi trực tiếp đến phương tiện đó để nói chuyện với những trẻ bị mắc kẹt. Dự án này đã được thí điểm tại Bangkok, Chiang Mai, Khon Kaen, Phuket, Chonburi, Rayong và Chachoengsao.

Trong sự việc gần đây nhất, tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một bé gái 4 tuổi sống tại Sharjah đã bị nhân viên đưa đón bỏ quên trên xe buýt song may mắn sống sót. Theo phụ huynh của bé, bé gái lên xe vào khoảng 6 giờ sáng và ngủ quên do giáo viên đưa đón quên đưa bé vào trường và lái xe phát hiện bé gái khóc trong chuyến xe chở các bé trai sau đó.

Xe buýt đưa đón là phương tiện di chuyển thuận tiện nhất dành cho học sinh ở UAE. Nhưng thật không may, trước đó, nước này cũng đã ghi nhận một số trường hợp  trẻ em bị ngạt thở đến tử vong sau khi ngủ quên trên xe đưa đón, phần lớn là do sự tắc trách của nhân viên đưa đón và lái xe. Vì vậy, có rất nhiều quy định đã được đưa ra để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Cơ quan Giao thông và Đường bộ của UAE đã ban hành các quy định kiểm soát nghiêm ngặt đối với các trường học, phụ huynh và nhà điều hành xe đưa đón học sinh. Theo đó, phim dán cửa sổ xe đưa đón không được vượt quá 30%, chỉ có thể mở cửa sổ tối đa 10 cm, dù từ trên xuống hay từ bên hông. Xe đưa đón học sinh cũng không được lắp rèm.

Các nhà cung cấp xe buýt trường học cũng lắp đặt hệ thống cảnh báo kiểm tra trẻ ngủ trên xe. Những hệ thống này dựa trên các camera và cảm biến chuyển động để phát hiện trẻ ngủ quên. Tất cả các nhân viên giám sát xe buýt sẽ phải kiểm tra ít nhất 2 lần trước khi đóng cửa xe để đảm bảo không còn học sinh hay vật thể lạ bị bỏ quên trên xe. Kết thúc mỗi chuyến xe, lái xe sẽ phải treo tấm biển đặc biệt có dòng chữ Không còn học sinh nào trên xe buýt lên kính. Nếu tài xế xe buýt không gắn biển sau khi đã đóng cửa xe và lái về bãi đỗ riêng, họ sẽ bị phạt rất nặng.

Tại Trung Quốc, dịch vụ đưa đón học sinh có lịch sử ngắn hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, hầu hết các phương tiện đưa đón học sinh đều được tích hợp các công nghệ hiện đại, cho phép phụ huynh theo dõi hình ảnh của con theo thời gian thực, giúp họ biết con mình có an toàn hay không.

Theo TTXVN

Nguyễn Mỹ Linh