Ngày 4/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moskva sẽ không thảo luận với Washington về vai trò tiềm năng của Nga tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) mở rộng dự kiến diễn ra vào cuối năm 2020. Nga cũng không loại trừ khả năng các quốc gia khác có thể rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Mỹ sẽ không thay đổi quyết định rút khỏi Hiệp ước này.
Nhiều khả năng các quốc gia khác có thể rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 4/7 cho biết, Nga tin tưởng rằng Mỹ sẽ không thay đổi quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, bất chấp hội nghị ngày 6/7 tới đây của các quốc gia thành viên để thảo luận về triển vọng của thỏa thuận quốc tế này, cũng như các sự hiện khác liên quan kéo dài đến 22/11.
Thứ trưởng Sergei Ryabkov cho rằng, không loại trừ khả năng nhiều nước khác sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, sau khi Mỹ thực hiện bước đi này.
Trước đó, ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vốn cho phép các quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các hoạt động và lực lượng quân sự, theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, quyết định này có hiệu lực sau sáu tháng kể từ ngày 22/5. Phía Mỹ cho rằng, Nga vi phạm thỏa thuận và đây là lý do Mỹ rút khỏi Hiệp ước. Nga đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời cam kết tiếp tục tuân thủ hiệp ước.
Nga không thảo luận với Mỹ về G7 mở rộng
Trước đó, khi trao đổi với đài truyền hình RBC ngày 3/7, tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga được hãng thông tấn TASS dẫn lời nhằm đáp trả phát biểu của ông John Sullivan, Đại sứ Mỹ tại Nga, rằng Washington "cùng với Bộ Ngoại giao Nga và các chính phủ G7 khác thảo luận liệu Nga có vai trò thích đáng tại G7 hay không".
Bên cạnh đó, ông Ryabkov nhấn mạnh ý tưởng về G7 mở rộng là một thiếu sót. Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhắc lại đề xuất của Moskva về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Theo ông, định dạng làm việc này, trong đó bàn về các vấn đề cấp bách toàn cầu, là phù hợp nhất.
Với tư cách là nước chủ nhà, Mỹ đã quyết định hoãn hội nghị thượng đỉnh G7, theo kế hoạch diễn ra từ ngày 10-12/6, cho đến tháng 9 hoặc muộn hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thông báo dự định mời thêm 4 quốc gia gồm Nga, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Mỹ. Cả 4 nước này đều thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20).
LÂM HOÀNG(t/h)