/ Pháp luật - Đời sống
/ Các trường hợp không được đề nghị đặc xá

Các trường hợp không được đề nghị đặc xá

03/07/2021 15:49 |

(LSVN) - Ngày 30/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 1161/2021/QĐ-CTN về đặc xá năm 2021. Tuy nhiên, Quyết định này cũng nêu rõ các trường hợp không được đề nghị đặc xá.

Ảnh minh họa. 

Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007 và nay là Luật Đặc xá năm 2018. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và xã hội.

Theo Quyết định 1161/2021/QĐ-CTN, đối tượng đặc xá bao gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, Quyết định này cũng nêu rõ các trường hợp không được đề nghị đặc xá. 

Theo đó, người có đủ điều kiện quy định tại Điều 3 Quyết định 1161/2021/QĐ-CTN không được đề nghị đặc xá nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự;

2. Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự;

3. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;

4. Trước đó đã được đặc xá;

5. Có từ 02 tiền án trở lên;

6. Thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 6 năm đối với người được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3; trên 8 năm đối với người được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 3 Quyết định này;

7. Bị kết án phạt tù về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

8. Phạm tội giết người có tổ chức; giết người có tính chất côn đồ; cố ý gây thương tích có tổ chức hoặc có tính chất côn đồ hoặc phạm tội nhiều lần đối với một người hoặc một lần đối với nhiều người hoặc dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; hiếp dâm có tính chất loạn luân; hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân (theo Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tính chất loạn luân hoặc hiếp dâm người dưới 10 tuổi; cướp tài sản có sử dụng vũ khí; cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; chống người thi hành công vụ có tổ chức hoặc phạm tội từ 02 lần trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; cướp tài sản nhiều lần, cướp giật tài sản nhiều lần, trộm cắp tài sản nhiều lần (từ hai lần trở lên);

9. Phạm tội về ma túy hoặc tội cướp tài sản hoặc tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 1 năm đối người bị kết án phạt tù dưới 7 năm hoặc thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 2 năm đối người bị kết án phạt tù từ 7 năm đến 15 năm hoặc thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 3 năm đối người bị kết án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân;

10. Phạm một trong các tội quy định tại Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người của Bộ luật Hình sự do cố ý mà thời hạn tù còn lại trên 2 năm đối với người bị kết án phạt tù từ 10 năm đến 15 năm hoặc thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên 3 năm đối người bị kết án phạt tù trên 15 năm, tù chung thân;

11. Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy trong vụ án phạm tội có tổ chức; người dùng thủ đoạn xảo quyệt, ngoan cố chống đối trong vụ án phạm tội có tổ chức; người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

12. Có căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma tuý;

13. Bị kết án phạt tù do phạm từ ba tội trở lên hoặc phạm từ hai tội do cố ý trở lên, kể cả trường hợp tổng hợp hình phạt;

14. Có một tiền án mà lại bị kết án phạt tù về tội do cố ý;

15. Đã từng bị kết án phạt tù, kể cả trường hợp đã được xóa án tích hoặc đã từng bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, kể cả cơ sở giáo dục trước đây hoặc đã từng bị đưa vào trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt tù về một trong các tội sau đây: Về ma tuý; giết người; hiếp dâm trẻ em (theo Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc hiếp dâm người dưới 16 tuổi; cướp tài sản; cướp giật tài sản; cưỡng đoạt tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; chống người thi hành công vụ; mua bán phụ nữ (theo Bộ luật Hình sự năm 1985) hoặc mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (theo Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc mua bán người dưới 16 tuổi hoặc đánh tráo người dưới 1 tuổi hoặc chiếm đoạt người dưới 16 tuổi; gây rối trật tự công cộng; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; cho vay lãi nặng (theo Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Tuy nhiên, Quyết định này cũng quy định về việc đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Điều 22, Điều 23 của Luật Đặc xá để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

NGỌC ANH

Công bố Quyết định về đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước

Lê Minh Hoàng