/ Trợ giúp pháp lý
/ Các trường hợp truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Các trường hợp truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

11/11/2023 18:49 |

(LSVN) - Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp nào sẽ phải truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Ảnh minh họa.

Về vấn đề này, theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì các trường hợp truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động bao gồm:

- Điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

- Đóng bù thời gian chưa đóng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Số tiền truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:

- Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP (mục 1) số tiền truy thu không phải tính lãi chậm đóng.

Trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền truy thu bảo hiểm xã hội được tính bao gồm số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

- Lãi suất truy thu được lấy bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề của năm tính truy thu.

Ngoài ra, theo Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.

- Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài ra, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở. 

Nguyễn Mỹ Linh