/ Trợ giúp pháp lý
/ Các trường hợp từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định RCEP

Các trường hợp từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định RCEP

12/04/2022 15:58 |

(LSVN) - Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 05/2022/TT-BCT ngày 18/02/2022 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP). Trong đó quy định rõ về các trường hợp từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định RCEP.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Điều 27 Thông tư quy định rõ cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với một trong hai trường hợp sau:

- Hàng hóa không đáp ứng quy định tại Thông tư này.

- Nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hóa không chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy định tại Thông tư này để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Trường hợp cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan, cơ quan hải quan phải cung cấp cho nhà nhập khẩu quyết định bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan trong các trường hợp sau đây:

- Cơ quan hải quan không nhận được đủ thông tin để xác định hàng hóa có xuất xứ.

- Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu không phản hồi bằng văn bản đề nghị kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 24 Thông tư này.

- Đề nghị kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất theo quy định tại Điều 24 Thông tư này bị từ chối.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/4/2022.

Cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu RCEP cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trước ngày Thông tư này có hiệu lực để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định RCEP và của nước thành viên nhập khẩu.

Cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phát hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Thủ tục kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để cho hưởng ưu đãi thuế quan được thực hiện theo quy định của Hiệp định RCEP, các nội dung quy định tại Chương III Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

TIẾN HƯNG

Hạn chế tối đa việc giao cho bộ, ngành hướng dẫn luật

Lê Minh Hoàng