(LSO) – Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo hôm 31/8 chính thức tuyên bố từ chức vì lý do gia đình, điều này dẫn tới cuộc đua vào vị trí Tổng Giám đốc WTO diễn ra sớm hơn một năm so với dự kiến.
Vị Tổng Giám đốc người Brazil rời Tổ chức Thương mại thế giới sớm hơn một năm so với thời hạn kết thúc niệm kì thứ hai của ông giữa lúc thể chế này đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó có căng thăng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và kinh tế thế giới suy giảm do đại dịch Covid-19.
Tuyên bố từ chức chính thức này diễn ra trong bối cảnh cuộc đua tìm kiếm người thay thế ông vẫn đang được đẩy nhanh. Hiện có 8 ứng cử viên chạy đua vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới đến từ các quốc gia như Mexico, Nigieria, Ai Cập, Mondova, Kenia, Saudi Arabia và Anh. Quá trình bầu chọn lãnh đạo mới của Tổ chức Thương mại thế giới sẽ chính thức bắt đầu ngày 7/9 và có thể kéo dài 2 tháng.
Đại Hội đồng WTO sẽ lắng nghe và chất vấn 8 ứng cử viên về kế hoạch hành động của họ trong vai trò dẫn dắt tổ chức tài chính toàn cầu này. Sau một loạt quy trình sàng lọc, loại bỏ dần các ứng cử viên, có sự tham khảo và đồng thuận giữa các thành viên, Đại hội đồng cuối cùng sẽ chọn ra ứng cử viên xuất sắc nhất nhằm chèo lái con tàu WTO.
Sau 25 năm hoạt động, Tổ chức Thương mại thế giới đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một sân chơi thương mại công bằng cho các nước thành viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại, chủ nghĩa đơn phương leo thang, tổ chức này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay như căng thẳng thương mại toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, sự sụt giảm của thương mại quốc tế gây ra do đại dịch Covid -19, cập nhật các quy tắc thương mại toàn cầu đã lỗi thời sau 25 năm tồn tại. Kể từ khi được thành lập vào năm 1995, WTO đã có 6 Tổng giám đốc, trong đó có 3 người châu Âu, 1 người châu Đại dương, 1 người châu Á và 1 người Nam Mỹ. Cơ hội trở thành Tổng Giám đốc của WTO hiện chia đều cho các ứng cử viên.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, nhiều khả năng vị Tổng giám đốc thứ 7 của WTO có thể là người châu Phi, dù WTO không có nguyên tắc xoay vòng giữa các khu vực. Tổng giám đốc WTO có nhiệm kỳ kéo dài 4 năm và ứng cử viên đắc cử phải nhận được sự ủng hộ đa số của 164 nước thành viên WTO.
LÊ HÙNG