/ Tích hợp văn bản mới
/ Cấm ghi âm, ghi hình trong quá trình hòa giải, đối thoại

Cấm ghi âm, ghi hình trong quá trình hòa giải, đối thoại

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Với kết quả chiếm 90,27% tổng số Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án chính thức được thông qua vào chiều ngày 16/6/2020.

Ảnh minh họa.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có bố cục gồm 4 Chương, 42 Điều, quy định về phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Trong bối cảnh án lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại ngày càng tăng về số lượng; tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt thì việc hướng tới xây dựng một cách giải quyết các tranh chấp đó theo con đường hòa giải đối thoại là việc rất cần thiết, ý nghĩa.

Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nêu rõ các nguyên tắc sử dụng trong hòa giải, đối thoại. Trong số các nguyên tắc hòa giải, đối thoại là việc đảm bảo bí mật cho các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại. Cụ thể, tại Điều 4 Luật này nêu rõ:

"Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại".

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng không được sử dụng lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc trừ các trường hợp:

- Bên trình bày đồng ý sử dụng lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;

- Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

THANH THANH

/de-xuat-xep-luong-giao-vien-mam-non-theo-4-hang.html