/ Bút ký Luật sư
/ Cảm nghĩ về câu nói của Bác Hồ...

Cảm nghĩ về câu nói của Bác Hồ...

05/01/2021 17:54 |

LSVNO - Tôi cũng chỉ là một người hành nghề luật bình thường, được đào tạo trong môi trường chính quy, rồi trải qua cuộc sống quân ngũ, va đập mỗi ngày với những thực thể và thiết chế tư pháp đối trọn...

LSVNO - Tôi cũng chỉ là một người hành nghề luật bình thường, được đào tạo trong môi trường chính quy, rồi trải qua cuộc sống quân ngũ, va đập mỗi ngày với những thực thể và thiết chế tư pháp đối trọng với bản chất tự do của nghề luật sư, tôi mới bắt đầu chạm đến trong quá trình tự nhận thức về những giá trị căn bản của nền dân chủ được hình thành từ máu và nước mắt trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Xuân Đinh Mùi, 9/2/1967). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, có điều kiện được tiếp cận với tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề bảo đảm quyền con người nói chung (quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa nói riêng), tôi nhận ra cội nguồn sâu xa hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh chính là tư tưởng nhân nghĩa của cha ông ta trong lịch sử để lại, đã tạo nên sinh khí của dòng chảy pháp luật thành văn Việt Nam, nuôi dưỡng nền tư pháp nhân dân, mang đặc trưng nhân nghĩa pháp quyền Việt Nam. Lịch sử pháp luật thành văn của Việt Nam thể hiện qua bộ Lê triều hình luật (còn gọi là Bộ luật Hồng Đức hay Quốc triều hình luật) vào thế kỷ thứ XV đã ghi nhận nhiều quan điểm mới, tiến bộ trong các điều khoản về việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của người phạm tội, cho phép họ tự bảo vệ và bảo đảm việc “tranh biện” kỹ lưỡng. Từ sự thương xót về nỗi thống khổ của những người bị giam trong ngục tối, từ đó nhất loạt khoan giảm của vua Lý Thánh Tông (1054-1072)[1], đến tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” trong Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi, với lời thỉnh cầu tha thiết đến cháy lòng của ông với nhà vua Lê Thái Tông vào năm 1435 như thấu đến trời xanh: “Nguyện xin bệ hạ yêu thương muôn dân, để chốn cùng thôn vắng không còn tiếng oán hận sầu than”[2]. Cội nguồn nhân nghĩa nói trên đã gầy dựng nên hòa khí của đất nước Việt Nam, đúc kết trong câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời, và làm người[3].

Trải nghiệm qua thực tiễn của đất nước trong thời kỳ Pháp thuộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thấu hiểu hơn ai hết nỗi đau của người dân sống trong kiếp nô lệ và Người nhận ra chân lý là quyền và tự do của cá nhân, trong đó có quyền được hưởng sự công bằng về pháp luật và sự trợ giúp về mặt pháp lý, chỉ có thể được thể hiện một cách thực chất nhất khi dân tộc có được nền độc lập và tự do. Chính Người đã chuyển hóa một cách tài tình quan điểm về quyền và tự do cá nhân trong tư tưởng pháp lý tư sản thành quyền của “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[4]. Trên một khía cạnh khác, Người quan niệm: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”[5]. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, lời Bác Hồ dặn như một minh chứng cho tư tưởng của Người về nhân quyền, về sự bảo đảm bằng pháp luật các quyền tự do cơ bản của công dân. Cũng trong một cách tiếp cận như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng việc kiến thiết đất nước sau khi giành chính quyền còn khó hơn vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của các tầng lớp nhân dân, nên ngay trong hoạt động xét xử “nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng”[6]. Bác còn nhắc nhở cán bộ ngành tòa án vào năm 1950: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử càng tốt hơn”[7]. Thấm nhuần tinh thần đó, với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã nhấn mạnh: “Một nền tư pháp dân chủ, mang đậm tính nhân dân sẽ không chấp nhận những thủ tục rườm rà, nhiều tầng nấc, quan liêu và bất lợi cho các bên tham gia tố tụng”[8]. Tư tưởng ấy chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người quan niệm dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân.

Chính ở điểm mấu chốt liên quan đến các giá trị của dân chủ mà nhiều người thường hay nhắc đến trong một nhà nước pháp quyền, các định nghĩa và tiếp nhận sự khác biệt trong quan niệm về quyền con người phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện lịch sử phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia, nhưng nhân quyền lớn nhất chính là quyền được sống trong độc lập và tự do như Bác Hồ đã nói. Không thể phủ nhận đất nước Việt Nam đã phải trải qua những giai đoạn lịch sử bi thương bởi các cuộc chiến tranh liên miên, sau ngày miền Nam giải phóng, việc chậm đổi mới tư duy lãnh đạo chiến lược phát triển đất nước đã hao tổn biết bao trí lực, nhân lực, vật lực, làm ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm về sự phát triển xã hội, trong đó có không ít trường hợp lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng được đặt lên trên quyền lợi người dân. Trong một thời gian dài, nhiều hệ thống luật lệ trở nên cứng nhắc, nặng về cưỡng chế, cấm đoán đã hạn chế đến sức sản xuất và năng lực nội tại của người dân, làm cho pháp luật và hệ thống tư pháp xa rời cuộc sống xã hội và nhân dân. Đó là một sự thật khách quan, một trải nghiệm đau đớn làm tụt hậu đất nước hàng chục năm trời, nhưng trong một chừng mực nào đó, đã xuất hiện mầm mống sự dịch chuyển trong cấu trúc điều chỉnh pháp luật theo hướng tiếp cận cân bằng giữa lợi ích nhà nước và công dân.

Ý nghĩa sâu xa trong câu nói của Bác Hồ chính là ở chỗ, vấn đề cốt lõi của việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế và thể chế tư pháp của đất nước Việt Nam hiện nay chính là vấn đề của đời sống dân sinh, bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân, trong đó có việc bảo đảm quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Ngay từ những đạo luật, pháp lệnh đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút ký, đã quan tâm đến việc ban hành Luật Bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân, Luật về Quyền tự do hội họp và Luật về Quyền lập hội (1957) cho đến Hiến pháp 2013, các bộ luật tố tụng mới đã minh chứng cho sự dịch chuyển trong cấu trúc điều chỉnh pháp luật hướng đến việc tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của công dân.

Tuy nhiên, mong mỏi của người dân chính là ở chỗ, làm sao cho pháp luật dựa trên cội nguồn nhân nghĩa ấy phải thấm đậm đến “thôn cùng, ngõ hẻm” và những người đại biểu cho quyền lực của nhân dân không thể tự mình đứng lên trên quyền lợi của người đã ủy quyền cho mình. Những thách thức, thậm chí còn nhiều khó khăn của đời sống kinh tế- xã hội đang vấp phải hiện nay có căn nguyên sâu xa từ cấu trúc điều chỉnh pháp luật, do một bộ phận pháp luật xa rời nhân dân, thiếu đi tính ổn định và hiệu lực khi vừa mới ban hành đã phải sửa đổi bổ sung, đi vào đời sống đã bị triệt tiêu bởi các văn bản hướng dẫn dưới luật… Vì thế, xây dựng được một hệ thống pháp luật nhân nghĩa cần bao hàm trong đó giá trị là một đại lượng cho sự công bằng, đặt các khuôn khổ mang tính cưỡng chế chỉ nhằm mục đích tạo được môi trường yên dân. Đó cũng chính là nền tảng đạo đức của pháp luật, hướng đến một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân, các giá trị về quyền con người được tôn vinh và là đích đến của toàn bộ hệ thống tư pháp, từng bước hạn chế đi đến loại trừ những sai sót từ phía cơ quan tư pháp gây ra những số phận bị hàm oan có thể làm tổn thương hòa khí đất nước…

Tuy nhiên, cốt lõi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua câu nói của Người, còn là sự quan tâm đến việc xây dựng một đội ngũ những công chức là “công bộc của dân”, một đội ngũ những người hành nghề luật làm sao trong tư tưởng và hành động một lòng, một dạ phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đến đạo đức và các quy tắc ứng xử chuẩn mực, dựa trên cơ sở pháp luật. Trong khi mạo muội đề cập đến tư tưởng của Bác Hồ về vấn đề “ở đời và làm người”, trong tôi không khỏi cảm thấy lòng mình chất chứa nhiều băn khoăn, suy nghĩ. Niềm tin vào những chuyển biến rất đáng ghi nhận từ sau khi Nghị quyết 08 ngày 02/01/2002 và Nghị quyết 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị liên quan đến một số nhiệm vụ trọng tâm và định hướng của công tác tư pháp trong thời gian tới đã được đặt trước những thách thức mới. Thực tiễn cảm động về những số phận bị hàm oan được đón nhận những lời xin lỗi từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng, được đền bù một phần lợi ích vật chất nhỏ nhoi khiêm tốn theo Nghị quyết 388 thời gian qua, không làm nguôi ngoai được tâm trạng của một luật sư được hành nghề trong một đất nước độc lập, tự do.

Cần nhìn nhận khách quan đội ngũ trên 13.000 luật sư mới được hình thành với tốc độ nhanh trong vòng chưa tới mười năm kể từ khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, trong bề dày lịch sử nghề luật sư Việt Nam gắn liền với lịch sử cách mạng của đất nước, bước đầu được nhìn nhận như một chủ thể độc lập vận hành trong hệ thống tư pháp thống nhất. Bằng sự trải nghiệm và kiên trì đấu tranh, đội ngũ luật sư Việt Nam đã đứng được trong lòng xã hội và Luật Luật sư, các bộ luật tố tụng mới được ban hành đã tạo ra một vị thế mới. Ở đó, vai trò của luật sư được khẳng định “góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Hình ảnh các luật sư lăn xả đấu tranh bảo vệ công lý, nhiều số phận bị hàm oan đã được giải oan, tham gia ngày càng tích cực hơn vào các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhân dân và doanh nghiệp đã trở thành chỗ dựa tin cậy của thể chế chính trị nước nhà, nền tư pháp có được sự phản biện cần thiết để có được sự cân bằng, khách quan. Có thể nói đó là thành quả lớn nhất của định hướng cải cách tư pháp, cùng với những chuyển biến ban đầu đáng khích lệ của hệ thống xét xử coi kết quả tranh tụng dân chủ là cơ sở hình thành phán quyết của tòa án.

Cùng nhiều luật sư hành nghề trong điều kiện còn khó khăn hiện nay, chúng tôi tin vào những kết quả bước đầu trong triển khai định hướng cải cách tư pháp mà Đảng ta đã khởi xướng và kiên trì gây dựng. Hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng đã có được sự nhận thức mới và có sự hỗ trợ nhất định cho đội ngũ luật sư hành nghề qua các giai đoạn tố tụng, cơ chế quản lý đã tạo điều kiện cho tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư chủ động tiến hành các biện pháp tự quản, cơ hội tham gia thị trường dịch vụ pháp lý quốc tế đã mở ra khi đất nước hội nhập vào đời sống kinh tế quốc tế… Những thành quả đó tuy còn khiêm tốn, nhưng rất cơ bản, không thể phủ nhận.

Nhưng vì sao bài toán nguồn nhân lực của hệ thống tư pháp vẫn là nỗi lo canh cánh bên lòng của các vị lãnh đạo ngành tư pháp? Đáng quan tâm hơn, những tiếng nói bức xúc của nhiều luật sư trong các cuộc hội thảo, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành nhiều cuộc họp liên ngành vẫn chưa có được một văn bản pháp quy “liên tịch” về sự tham gia của luật sư trong vụ án hình sự. Từ thực tiễn hành nghề, tôi nhận thấy nhiều vụ án hình sự bị kéo dài một cách vô lý, thời gian tạm giam nhiều năm trời, đến khi ra tòa thì không xử được hoặc tuyên vô tội, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến thân phận pháp lý của người bị giam giữ, mà cả đến cuộc sống bình thường người thân của họ.

Nói rộng ra, trong một chừng mực nào đó, một bộ phận thiết chế tư pháp vận hành còn trong tình trạng “bên trọng, bên khinh”, nhiều số phận bị tình nghi phạm tội vẫn còn bị định đoạt theo “cơ chế liên ngành”, đến mức Thủ tướng Chính phủ, trong lần phát biểu trước Hội nghị tổng kết của ngành kiểm sát ngày 07/01/2003 đã nói: “Làm sao việc phối hợp liên ngành này không phải là sự “nể nang, thỏa hiệp, đồng tình” xuôi chiều với nhau và như vậy coi sự việc dù thế nào cũng đã được kết luận, đã được phán quyết qua sự thống nhất ý kiến này. Thực thi nhiệm vụ theo chức năng và có sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật là cần thiết, nhưng sự phối hợp đó phải trên nguyên tắc luật định, làm cho việc thực thi pháp luật càng được nghiêm minh, không bỏ lọt tội, không làm oan người vô tội và càng không thể thông qua một cơ chế nào đó, một cách làm nào đó mà cơ hội tìm kiếm công lý, cơ hội giải oan cho công dân, cho doanh nghiệp gần như không còn”[9].

Tuy khuôn khổ pháp lý cho việc hành nghề luật sư rất thông thoáng, nhưng hiện còn nhiều bất cập trong vấn đề phát huy vai trò của đội ngũ luật sư. Nhà nước chưa ban hành các chính sách cải thiện môi trường dịch vụ pháp lý, bao gồm tăng các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính, ngân hàng trong việc nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động dịch vụ pháp lý, áp dụng chính sách bảo đảm và ưu đãi trong vay vốn hành nghề tư vấn pháp luật. Chưa có cơ chế pháp lý bảo đảm cho việc tham gia ngày càng nhiều hơn của luật sư trong đàm phán thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài và soạn thảo, ký kết các hiệp định song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước. Ngoài ra, về mặt quản lý nhà nước, hiện nay thị trường dịch vụ pháp lý không được phân bổ một cách đồng đều, làm phát sinh sự mất cân đối trong nhu cầu thụ hưởng về dịch vụ pháp lý. Nhà nước chưa có chiến lược xây dựng các mô hình hành nghề luật sư, trong đó tập trung phát triển một số tổ chức hành nghề tầm cỡ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường dịch vụ pháp lý quốc tế. Việt Nam về cơ bản vẫn là một nước với nền kinh tế sản xuất nông nghiệp, dân số nông thôn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hoạt động dịch vụ pháp lý ở phạm vi nông thôn rất hạn hẹp, mức độ tăng trưởng chậm, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Hoạt động luật sư công ty hiện nay cũng chưa có pháp luật điều chỉnh, mô hình tổ chức pháp chế ngành hoạt động chưa hiệu quả. Do đó, nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật nhằm hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của luật sư nói chung, của phạm vi hành nghề tư vấn pháp luật nói riêng trong điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường không chỉ xuất phát từ bản thân nội tại của tổ chức luật sư, mà còn xuất phát từ chính yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Có thể nói, qua sự nhìn nhận trên hai mặt trong tư tưởng của Bác Hồ thể hiện qua câu nói trên về tạo dựng nền móng pháp luật cho xã hội có được căn bản trật tự, xây dựng đội ngũ những người hành nghề luật thấu hiểu “đạo làm người”, chúng ta càng thấm thía hơn về chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này đã mở ra một cơ hội lớn cho các chủ thể tư pháp có điều kiện nâng cao các giá trị nghề nghiệp một cách công bằng, ở đó mỗi người dân có khả năng được tiếp cận với nền tư pháp vốn được coi là gần gũi với nhân dân. Cần quan niệm nhiệm vụ cải cách tư pháp được đặt trong bối cảnh đất nước đang trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa- một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, một Nhà nước lấy pháp luật làm chuẩn mực cho việc quản lý và thực thi quyền lực, một Nhà nước là chỗ dựa tin cậy và có cơ chế bảo vệ được các quyền và tự do cơ bản của người dân không phải chỉ bằng khẩu hiệu mà bằng hành động.

Hoạt động xét xử của tòa án đã được nhìn nhận là trọng tâm của cải cách tư pháp. Một trong những nguyên tắc đổi mới hệ thống tư pháp chính là nguyên tắc bảo đảm sự công bằng trong xét xử, coi đây là hạt nhân quan trọng nhất của hoạt động xét xử. Chính là muốn có một sự công bằng mà người ta chấp nhận vai trò của người thứ ba và trên cơ sở sự công bằng thì các phán quyết mới có thể thực hiện được. Muốn tạo khả năng công bằng và sự độc lập trong xét xử của tòa án thì trước hết phải trả lại cho tòa án vị trí vốn có của nó là một quan tòa khách quan, người thẩm phán không thể mang theo định kiến có tội trước khi xét xử bị cáo. Đưa tòa án trở lại đúng vị trí trọng tâm của hệ thống tư pháp, một hệ thống tòa án gần dân và thuận lợi cho dân, nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của hoạt động xét xử là một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp. Cần nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện các quy định tố tụng, từng bước chuyển từ chế độ xét hỏi sang chế độ tranh tụng trong tố tụng hình sự; nâng cao trách nhiệm của thẩm phán và hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bảo đảm phán quyết của tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, hạn chế sự can thiệp, “chỉ đạo án, thỉnh thị án” làm sai lệch kết quả xét xử. Ngoài ra, cần thiết lập những chuẩn mực của văn hóa pháp đình, xây dựng những tiêu chí cho văn phong của bản án, tạo khuôn khổ cho việc ứng xử có văn hóa của các chủ thể tham gia tố tụng tại phiên tòa. Các bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán, công tố viên, luật sư cần là cơ sở tạo ra sự cân bằng trong không gian văn hóa pháp đình, trong đó các chủ thể tư pháp có cơ hội ngang nhau trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, tôn trọng sự thật khách quan và bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp.

Hoàn thiện cơ chế và pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư như một thành tố bảo đảm thực hiện các quyền và tự do dân chủ của công dân, góp phần vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Chỉ có thể nói đến dân chủ và bảo đảm tôn trọng quyền con người trong hoạt động tư pháp, là nhân tố bảo đảm sự công bằng khi luật sư có được một vị thế bình đẳng thật sự với các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư có được vị thế là một chức danh tư pháp độc lập. Cần nhấn mạnh đến vai trò và sự đóng góp của đội ngũ luật sư trong điều kiện đất nước đang hội nhập sâu vào đời sống thương mại quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sàng đối diện với những thách thức trong thị trường dịch vụ pháp lý trong và ngoài nước. Cải cách tư pháp hiện nay không chỉ phải bảo đảm các nguyên tắc và định hướng như Đảng và Nhà nước đã đề ra, mà cần đặt tiến trình cải cách này trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế. Các thủ tục tố tụng, sự phối hợp, phân công và tính độc lập của các cơ quan tố tụng cần phải được hoàn thiện theo hướng giảm thiểu những xung đột về quyền tài phán và luật áp dụng, thống nhất về mặt nhận thức và các quy phạm pháp luật trong việc điều chỉnh và giải quyết các vụ án, các tranh chấp kinh tế - dân sự; nhanh chóng hoàn thiện các quy định tố tụng nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác để phát triển, tiết giảm tối đa những chi phí ngoài pháp luật nhằm nâng cao tính minh bạch và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

---*---

[1] Đại Việt sử ký toàn thư - Nhà xuất bản khoa học xã hội- Hà nội 1998- tr. 273.

[2] Lê Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ với thản án Lệ Chi Viên- NXB Văn hóa Thông tin- Hà Nội 2004- tr. 92.

[3] Viện nghiên cứu khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng- NXB Tư pháp, Hà Nội 2005, tr.20.

[4] Hồ Chí Minh - Bàn về nhà nước và pháp luật- Nxb Chính trị quốc gia - Hà Nội- tr.303.

[5] Hồ Chí Minh - Toàn tập- tập 4- Nhà xuất bản Sự thật- Hà Nội 1984- tr. 35.

[6] HồChí Minh - Bàn về nhà nước và pháp luật- Sđd, tr. 312.

[7] Song Thành - Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh - Sự thống nhất giữa đức trị và pháp trị - Tạp chí Dân chủ và pháp luật- Số chuyên đề năm 2004- tr. 46.

[8] Báo Nhân dân số ra ngày 26/3/2002.

[9]Tạp chí Kiểm sát- số Tết Quý Mùi - 2/2003- tr. 7-8.

TS. LS Phan Trung Hoài