/ Kinh tế - Pháp luật
/ Cần ban hành thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19

Cần ban hành thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19

20/10/2021 07:31 |

(LSVN) – Có thể thấy, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. 

Gần 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thời gian qua, dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động và việc làm bị đình trệ, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. 

Theo Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp 2020 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) thực hiện trên gần 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc, đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, 87,2% doanh nghiệp cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” bởi dịch bệnh.

Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. Có tới 84% doanh nghiệp tư nhân và 85% doanh nghiệp FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp ở một số ngành là đặc biệt lớn, trong đó lĩnh vực chịu ảnh hướng lớn nhất là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%), sản xuất xe có động cơ (93%)…

Kết quả điều tra cũng cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Nhiều doanh nghiệp cho hay, họ bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.

Theo đại diện Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và thương mại Phú Thái - Hà Nội (hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp) cho biết, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây ra rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Đầu tiên phải kể đến khó khăn trong sử dụng lao động phổ thông phục vụ công việc sản xuất.

Cụ thể, người lao động do bị cách ly không thể di chuyển để có thể đi làm, nhiều lao động kỹ thuật như thợ lái máy cày, máy cấy, máy gặt... mắc Covid-19 hoặc bị cách ly dẫn đến việc không có người để triển khai sản xuất. Đặc biệt là việc vận chuyển hàng hóa như mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch lúa... đều bị dừng hoạt động. Trước tình hình này, doanh nghiệp phải tìm mọi cách vận chuyển thô sơ và chia nhỏ công việc để có thể vận chuyển hành hóa. Ngoài ra, việc thẩm định thóc giống cũng bị gián đoạn do cán bộ thẩm định bị cách ly y tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn về tài chính, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, nợ lương người lao động.

Nằm trong số các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Nhật Thành (hoạt động chính trong lĩnh vực hóa chất) cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Công ty bị thiếu hụt nguồn cung ứng dẫn đến giá cả nguyên liệu tăng phi mã, cá biệt có sản phẩm tăng đến 55%. Ngoài ra, vấn đề xuất hàng hóa cũng gặp khá nhiều khó khăn do việc đi lại giữa các địa phương bị hạn chế.

Doanh nghiệp đề xuất những gì?

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao nhiều quyết sách từ Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong thời gian gần đây, tiêu biểu như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỉ đồng/năm; Miễn thuế nhập cho các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 01/01/2021 tới năm 2025...

Những hỗ kể trên của Nhà nước là cần thiết, kịp thời nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ. Để doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất một cách hiệu quả, đòi hỏi cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nhà nước các cấp. 

Theo đại diện Công ty Phú Thái - Hà Nội, trước những khó khăn về tài chính, nhất là về vấn đề huy động vốn và trả lương nhân công, doanh nghiệp đề xuất được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hạ lãi suất và đơn giản các thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng; gia hạn nộp thuế từ 12-18 tháng; được miễn, giảm các khoản thuế, phí thuê đất, sử dụng hạ tầng. Đồng thời, có những chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho đến đầu năm 2022; nới lỏng các biện pháp, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất...

Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp mong đợi và hy vọng Nhà nước xem xét mở cửa hơn nữa việc thông quan hàng hóa, đặc biệt là tại các cảng biển. Công ty cổ phần Tập đoàn Nhật Thành cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát loại bỏ các quy định đang gây áp lực về chi phí cho doanh nghiệp, đơn giản hóa tối đa quy trình hành chính hiện tại, hoặc xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên (như trường hợp vừa áp dụng với việc xuất khẩu vải thiều), đẩy nhanh quy trình, thủ tục nhập về các mặt hàng thiết yếu và xuất các sản phẩm nông sản, xuất các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo, để hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu thời gian, chi phí ở các khâu thực hiện trong nước; giảm thiểu thực tế các chi phí tuân thủ trong quản lý nhà nước và tiết giảm hoặc tối ưu được dòng tiền chi ra để vượt qua khó khăn.

PV

Khi nào tài khoản ngân hàng của cá nhân bị kiểm tra?

Lê Minh Hoàng