Cán bộ Công an dùng súng đe dọa nhân viên y tế: Hành vi có dấu hiệu tội phạm

15/11/2021 02:34 | 2 năm trước

(LSVN) - Cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi của các bên, loại vũ khí, hậu quả mà người đàn ông này đã sử dụng đe dọa người khác để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Ảnh cắt từ clip.

Đình chỉ công tác cán bộ Công an dùng súng đe dọa nhân viên y tế

Trước đó, tối 11/11 tại một bệnh viện ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng và được camera an ninh ghi lại hình ảnh khi bước vào sảnh bệnh viện, ông Nguyễn Duy Ngọ (sinh năm 1990), cán bộ Công an huyện Lâm Hà bị nhân viên y tế nhắc nhở đeo khẩu trang. Thay vì tuân thủ, ông Ngọ lại tức giận, có lời lẽ thô tục, chửi bới và dí súng đe dọa 2 nhân viên y tế. 

Theo thông tin Công an huyện Lâm Hà cho biết, đơn vị đã có quyết định đình chỉ công tác đối với cán bộ Nguyễn Duy Ngọ - Cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy, trực thuộc đơn vị này, để xử lý vì liên quan đến việc dùng súng đe dọa 2 nhân viên y tế.

Thông tin thêm về sự việc, vị lãnh đạo này cho biết, sau khi nhận được tin báo vụ việc từ Công an huyện Đức Trọng, đơn vị đã cử lãnh đạo tiếp nhận thông tin.

"Đơn vị phối hợp với Công an huyện Đức Trọng xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo Sở Y tế, đích thân lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà đã có lời xin lỗi Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng và những nhân viên y tế có liên quan. Chúng tôi hứa sẽ xử lý nghiêm sự việc để không làm ảnh hưởng tới tâm lý của cán bộ, nhân viên ngành y", lãnh đạo này nói.

Vị này cũng cho biết, sáng 12/11, Công an huyện Lâm Hà phối hợp với Công an huyện Đức Trọng yêu cầu ông Nguyễn Duy Ngọ về đơn vị làm giải trình sự việc.

Theo đó, khẩu súng mà ông Ngọ dùng (xuất hiện trong clip) là súng bắn đạn hơi cay, được trang bị để người này thực hiện nhiệm vụ trong chức trách một cán bộ Công an.

"Trong lúc đi công tác, ông Ngọ này nghe tin con trai đầu lòng (4 ngày tuổi) bị bệnh nên chạy về đưa đi bệnh viện cấp cứu trong lúc vẫn mang theo khẩu súng. Khi đưa con đến cổng số một của Trung tâm y tế, phát hiện cổng đóng nên ông Ngọ và các thành viên đi cùng có tâm lý hoảng loạn, lo sợ bệnh tình của con chuyển biến nặng, dẫn đến hành vi rút súng đe dọa",  lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà cung cấp thông tin.

Hiện, Công an huyện Lâm Hà đã quyết định đình chỉ công tác cán bộ Nguyễn Duy Ngọ và báo cáo Công an tỉnh Lâm Đồng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hành vi có dấu hiệu tội phạm

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi sử dụng súng của người trong clip là trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác, vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Đây là hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có thể gây hoang mang trong dư luận. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc và đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật sư Cường đánh giá, với diễn biến sự việc thể hiện qua clip cho thấy việc sử dụng vũ khí của người đàn ông mặc áo màu da cam này không phải là đang thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Trong tình huống đó chưa có ai lâm vào tình trạng bị đe dọa, không có ai uy hiếp tinh thần của những người khác đến mức phải sử dụng vũ khí để trấn áp. Bởi vậy, việc sử dụng vũ khí như vậy là lạm quyền, đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi của các bên, loại vũ khí, hậu quả mà người đàn ông này đã sử dụng đe dọa người khác để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu kết quả xác minh cho thấy hành vi được xác định là sử dụng súng trái phép, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 với chế tài là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù.

Trường hợp việc dí súng đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nạn nhân thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 Bộ luật Hình sự với chế tài là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp được xác định là đe dọa giết người đối với từ 02 người trở lên hoặc đối với người thi hành công vụ thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Trong trường hợp đủ căn cứ để xử lý hình sự thì có thể người này sẽ phải chịu mức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu Công an nhân dân. Với những cán bộ Công an nhân dân mà thiếu tu dưỡng rèn luyện bản thân, không đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, có hành vi lộng quyền, lạm quyền, coi thường tính mạng sức khỏe của nhân dân thì cần phải loại khỏi lực lượng Công an nhân dân để đảm bảo trong sạch lực lượng Công an, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, không để hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh".

Được sử dụng vũ khí quân dụng trong trường hợp nào?

Chia sẻ thêm về một số quy định của pháp luật về sử dụng vũ khí, Luật sư Cường cho biết theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ tháng 7/2018 thì lực lượng vũ trang được trang bị súng, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng vũ trang phải thuộc trường hợp pháp luật cho phép, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và những người xung quanh, các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Tại Điều 5 Luật Quản lý vũ khí quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, trong đó có hành vi lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm sau đây: Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định; Khi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ phải mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng; Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng; Bàn giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.

Các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng cũng được quy định rõ tại Điều 22 Luật Quản lý vũ khí, cụ thể:

- Khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng.

- Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau đây: Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng; Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo; Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay; Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.

- Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 23 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng đã tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 22 này. 

Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

HỒNG HẠNH

Vụ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô bị tố hiếp dâm: Có thể khởi tố hình sự?