Vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhận định cán bộ thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra nói chung đã cơ bản thực hiện quy định về đạo đức công vụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế bất cập, đặc biệt vụ thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc và một số vụ nhiều năm trước. Dư luận cũng đánh giá cán bộ thanh tra còn phiền hà, nhũng nhiễu để vụ lợi cá nhân. Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã dẫn lại nhận xét của Chủ tịch nước về tình trạng cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra và khẳng định sẽ rà soát, sửa đổi tình trạng này.
Ảnh minh họa.
Có thể nói, việc nhận định cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra là vẫn là thực trạng đáng lo ngại và cần chấn chỉnh ngay để hoạt động thanh tra diễn ra đúng quy định của pháp luật và đảm bảo tính khách quan.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng khi Đoàn Thanh tra tiến hành thanh tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thì đối tượng thanh tra đều có kế hoạch tiếp đón, trong đó có việc bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ và các hoạt động khác như tham quan, bố trí phương tiện hoặc thanh toán các chi phí di chuyển,... của Đoàn Thanh tra. Vì vậy, trong một số trường hợp, mức độ nặng nhẹ của kết luận thanh tra tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ và sự đón tiếp của đối tượng thanh tra.
Hậu quả của tình trạng cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra sẽ dẫn đến mục đích của cuộc thanh tra không được đảm bảo; có thể nhiều nội dung sai phạm của đối tượng thanh tra sẽ bỏ ra khỏi kết luận thanh tra;... Khi kết luận thanh tra không khách quan, không chính xác thì không thể phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước nước; đồng thời, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không cao.
Do đó, việc thi hành chính sách, pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ lỏng lẻo, vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng... và cuối cùng sẽ dẫn đến bộ máy hành chính nhà nước sẽ bị suy yếu, uy tín sẽ bị giảm sút và chính sách, pháp luật sẽ không được thực thi một cách triệt để.
Để chấn chỉnh tình trạng cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra cần phải có quy định cụ thể, chi tiết để Đoàn Thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra và đối tượng thanh tra chấp hành.
Theo đó, Đoàn Thanh tra và thành viên Đoàn Thanh tra phải vô tư, khách quan, trong sáng... trong mối quan hệ với đối tượng thanh tra như không nhờ đối tượng thanh tra đặt chỗ ăn, chỗ nghỉ, liên hệ phương tiện để di chuyển hoặc nhờ liên hệ sử dụng một số dịch vụ ở địa phương của đối tượng kiểm tra. Đoàn Thanh tra khi đi thanh tra đã được ngân sách nhà nước đảm bảo và phải sử dụng kính phí do nhà nước cấp để phục vụ mọi hoạt động của Đoàn Thanh tra, tuyệt đối không nhờ đỡ bất cứ điều gì từ đối tượng thanh tra, ngoài trừ các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung thanh tra. Thứ hai, đối tượng thanh tra không được phép bố trí chỗ ăn, chỗ ở cho Đoàn Thanh tra, không được tặng quà cho thành viên Đoàn Thanh tra; không tiếp cận để giới thiệu, gợi ý một số hoạt động vui chơi, giải trí đối với thành viên Đoàn Thanh tra.
Bên cạnh đó, cần phải thực hiện nghiêm túc việc giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra nhằm theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và ý thức kỷ luật của Trưởng Đoàn Thanh tra, thành viên Đoàn Thanh tra; tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch thanh tra được phê duyệt. Trong đó, cần phải giám sát để ngăn chặn sự dễ dãi, giao lưu, ăn uống, tham nhũng, tiêu cực của Đoàn Thanh tra với đối tượng thanh tra.
Thông qua hoạt động giám sát đối với Đoàn Thanh tra, nếu phát hiện sự dễ dãi, giao lưu, ăn uống, tham nhũng, tiêu cực của Đoàn Thanh tra với đối tượng thanh tra thì tạm đình chỉ hoạt động thanh tra hoặc thay đổi trưởng Đoàn Thanh tra và thành viên Đoàn Thanh tra; đồng thời, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định.
Ngoài ra, đối với các cuộc thanh tra không đảm bảo nội dung, chất lượng hoặc có phản ánh tình trạng dễ dãi, giao lưu, ăn uống của Đoàn Thanh tra với đối tượng thanh tra thì người có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra cần phải chỉ đạo thanh tra tra lại các cuộc thanh tra đã có kết luận thanh tra. Khi phát hiện các cuộc thanh tra đã được kết luận có sai phạm hoặc có nội dung sai phạm nhưng bỏ ra khỏi báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Có như vậy, mới đảm bảo hoạt động thanh tra được diễn ra công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra nói riêng và hiệu lực quản lý nhà nước nói chung.
MINH ĐỨC
Sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu thông tin