Ảnh minh họa.
Ngày 23/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Góp ý tại phiên thảo luận về quy định bắt buộc mua bán bất động sản qua sàn, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cho rằng, bất động sản là hàng hóa rất quen thuộc với mọi người, nhưng khi đưa vào giao dịch lại là hàng hóa rất đặc biệt.
Theo Đại biểu, có 03 yếu tố chủ thể của thị trường bất động sản hoàn chỉnh gồm: Người mua - người bán-người môi giới.
"Chúng ta dù không quy định anh A. môi giới trên thực tế người dân khi tìm mua bất động sản vẫn tìm đến người môi giới. Vấn đề là làm sao tìm được người môi giới chuyên nghiệp", Đại biểu nói, đồng thời lấy dẫn chứng, trên thế giới quy định môi giới bất động sản rất khắt khe, trách nhiệm môi giới rất lớn. Khi sản phẩm bất động sản đưa ra giao dịch, người môi giới phải kiểm tra tính pháp lý của sản phẩm, nếu như rủi ro pháp lý môi giới phải chịu trách nhiệm, giá cao thì đã có luật thuế kiểm soát… người mua và người bán hoàn toàn yên tâm khi qua sàn mà không phải lo ngại về rủi ro.
Từ đó, Đại biểu kiến nghị muốn cho thị trường bất động sản không có tình trạng nhiễu loạn, không có yếu tố lừa đảo thì phải tập trung vào quy định chặt chẽ về môi giới. Khi hoạt động môi giới thông qua sàn giao dịch thì sàn này phải là sàn chuyên nghiệp cho người mua và người bán và là cánh tay nối dài cho Nhà nước.
Cùng liên quan đến vấn đề sàn giao dịch bất động sản, trả lời bên lề hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, với một số điều khỏan trong dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) ở sàn giao dịch là chưa đủ, vì nó mở ra cho quá nhiều người có thể tự do mở sàn giao dịch. Theo Đại biểu, muốn áp dụng sàn giao dịch có hiệu quả nên có một Nghị định quy định riêng về sàn giao dịch bất động sản. Trong đó, quy định quyền và nghĩa vụ các bên tham gia và làm sao để sàn giao dịch bất động sản không tăng thêm chi phí cho cả người tham gia và người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề đặt cọc, theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, yêu cầu đặt cọc là đúng, nhưng đặt cọc ở giai đoạn nào? Hiện một số quy định về vấn đề này chưa rõ ràng. Thêm vào đó, Không để “dự án bất động sản hình thành trong tương lai mà phải là dự án bất động sản hoàn thành trong tương lai”, từ đó quy định cụ thể tiến độ đến đâu thì nộp tiền như thế nào? quyền sử dụng đất cũng phải thể hiện rõ mục đích kinh doanh thương mại phù hợp với dự án bất động sản mà chủ dự án đang triển khai thực hiện…
Đồng thời, tiền đặt cọc phải không giao cho chủ dự án mà đóng vào tài khoản ngân hàng, chủ dự án phải có vốn và họ cần vốn thì vay ngân hàng, tiền đặt cọc đó ngân hàng có thể sử dụng cấp cho chủ đầu tư dự án. Nếu dự án chậm triển khai hoặc vi phạm thì người dân có thể thu hồi tiền đặt cọc.
Về vấn đề thông tin dự án bất động sản Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) thì cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng nhất và cũng là bất cập nhất hiện nay là công khai, minh bạch thông tin của dự án bất động sản.
Do đó, Đại biểu kiến nghị cần thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin liên thông giữa cơ quan quản lý thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản với hệ thống thông tin đất đai và với các cơ quan quản lý Nhà nước các ngành khác như đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng, chứng thực, đấu giá, thi hành án dân sự... nhằm giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý thông tin cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trong việc thực hiện các giao dịch dân sự (có thể thiết kế các thông tin công khai qua website, người dân có thể tự kiểm tra, tìm hiểu thông tin, qua đó hạn chế vấn đề về lừa đảo).
NGUYÊN VŨ
Đề xuất bổ sung phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ