Ảnh minh họa.
Hình ảnh của hội đồng xét xử khi đó không còn là hình ảnh cá nhân nữa mà đó là đại diện cho công quyền và được pháp luật bảo vệ. Pháp luật quy định về quyền tự do cá nhân và hình ảnh. Điều 32 Bộ luật Dân sự cũng quy định trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân mà không cần phải xin phép trong trường hợp: Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: Hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, có hai căn cứ để các cơ quan truyền thông có thể ghi hình hội đồng xét xử đó là thời điểm hội đồng xét xử làm việc công chứ không phải là hình ảnh cá nhân, căn cứ thứ hai là việc sử dụng hình ảnh đó trong các hoạt động công khai vì lợi ích quốc gia, lợi công cộng… Bởi vậy cần có cách hiểu thống nhất và có quy định cụ thể về việc đưa thông tin hình ảnh tại phiên tòa để tránh những quan điểm tranh cãi trái chiều.
Nếu tổ chức cá nhân nào sử dụng hình ảnh “cá nhân”, riêng tư của hội đồng xét xử hoặc những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng… mà không xin phép, hình ảnh đó là các hình ảnh khoảnh khắc riêng tư, không phải là hoạt động công vụ, không công khai và không được cho phép của người có hình ảnh hoặc mục đích sử dụng không phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc sử dụng để nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh thì đó mới là hành vi vi phạm pháp luật. Khi các cơ quan truyền thông đưa thông tin về hoạt động xét xử của tòa án thì đó cũng là một hình thức tuyên truyền pháp luật, lan tỏa những thông điệp pháp lý, thể hiện tính công khai trong hoạt động xét xử và cũng là một hình thức giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Bởi vậy khi thẩm phán chí công vô tư, trình độ nghiệp vụ tốt thì không ngại gì hoạt động giám sát của các cơ quan truyền thông và của nhân dân. Ngược lại, việc đưa những thông tin hình ảnh diễn biến phiên tòa sẽ thể hiện tính uy nghiêm của cơ quan bảo vệ pháp luật, là hình thức thể hiện hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp và là hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả.
Bởi vậy cần phải có cách hiểu và có quy định nhất quán về việc đưa thông tin cũng như sử dụng thông tin hình ảnh tại phiên tòa sao cho vừa đảm bảo được hoạt động xét xử không bị ảnh hưởng, vừa thể hiện sự tôn nghiêm của phiên tòa và đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.
Theo quy định của hiến pháp và pháp luật thì tòa án là trung tâm thực hiện quyền tư pháp, lấy hoạt động xét xử làm trọng tâm. Hoạt động xét xử không chỉ là thực hiện quyền tư pháp mà còn là hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Hoạt động tư pháp có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, việc giám sát có thể thông qua cơ quan đại diện hoặc giám sát trực tiếp. Hoạt động xét xử của tòa án là công khai, trừ trường hợp xét xử kín khi bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, bí mật kinh doanh nhưng khi tuyên án phải công khai.
Hiến pháp và các văn bản pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đều tuân thủ một nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc công khai, theo đó mọi người từ 16 tuổi trở lên đều có quyền tham dự phiên tòa. Hoạt động báo chí được đưa tin diễn biến phiên tòa theo quy định của luật báo chí và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh mà việc tiếp cận của công dân và báo chí đối với hoạt động xét xử của tòa án vẫn còn bị hạn chế, không phải trường hợp nào muốn tham dự phiên tòa cũng có thể tham dự. Bộ phận gác cổng, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp kiểm soát nhiều vòng, những người không có giấy triệu tập của tòa án thì rất khó khăn để có thể tham dự phiên tòa… thực tiễn này đòi hỏi quyền tiếp cận thông tin, quyền được thực hiện giám sát hoạt động tư pháp của công dân cần phải được đảm bảo tốt hơn trên thực tế.
Một số quy định trong dự thảo Luật Tổ chức tòa án về việc tiếp cận của báo chí đối với công tác xét xử cần phải tính toán sửa đổi bổ sung cho phù hợp sao cho đảm bảo quyền tự do dân chủ, quyền tiếp cận thông tin, quyền hoạt động báo chí và thực hiện quyền giám sát hoạt động tư pháp của nhân dân được thực hiện một cách thuận lợi nhất theo quy định của hiến pháp và pháp luật.
Cần tính toán để đảm bảo các quyền tự do dân chủ, tự do báo chí, quyền về hình ảnh, bí mật đời sống riêng tư được quy định rõ ràng trong hoạt động xét xử cũng như tiếp cận thông tin xét xử, đưa thông tin xét xử của các cơ quan báo chí. Nếu quy định các cơ quan báo chí chỉ được đưa tin phần thủ tục bắt đầu phiên tòa và kết quả xét xử thì điều đó đồng nghĩa với việc đó là những vụ án xét xử kín. Còn đối với những vụ án xét xử công khai thì báo chí hoàn toàn có quyền đưa thông tin diễn biến toàn bộ phiên tòa. Thực tế những phiên tòa đối với những vụ án kinh tế tham nhũng lớn thời gian qua như vụ án vạn Thịnh Phát, chuyến bay giải cứu, Việt Á… báo chí đưa tin kịp thời về diễn biến phiên tòa có tác động mạnh mẽ đến dư luận xã hội, là hình thức tuyên truyền pháp luật rất hiệu quả, là cơ sở để người dân thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với hoạt động tư pháp, đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai, dân chủ trong hoạt động tư pháp.
Đối với việc sử dụng hình ảnh cá nhân, bí mật đời tư cá nhân, Bộ luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ ràng. Đối với hình ảnh của bị can bị cáo tại phiên toà thì có thể có quy định cụ thể như ghi hình từ phía sau, hỏi ý kiến của bị can… Còn đối với những người tiến hành tố tụng thì đó là những người thi hành công vụ, nhân danh nhà nước nên không còn là hình ảnh riêng tư, đây là hoạt động công khai, công cộng với mục đích thực hiện quyền tư pháp, tuyên truyền pháp luật nên không thể viện dẫn các quy định của pháp luật về đời sống riêng tư để hạn chế tiếp cận hình ảnh. nếu việc sử dụng thông tin hình ảnh của người tiến hành tố tụng vào mục đích phi pháp, nhằm mục đích xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của tổ chức cá nhân thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý trước pháp luật. Còn nếu việc sử dụng hình ảnh mang tính chất đưa tin diễn biến phiên tòa, thực hiện quyền giám sát trực tiếp của nhân dân, thể hiện sự công khai minh bạch dân chủ trong hoạt động tố tụng của tòa án và là một hình thức tuyên truyền pháp luật thì việc đưa thông tin hình ảnh đó hoàn toàn phù hợp và hợp lý.
Thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới thì việc các cơ quan báo chí tiếp cận với tòa án rất dễ dàng, việc đưa thông tin diễn biến phiên tòa đều có quy định cởi mở, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, các quyền tự do dân chủ tự do báo chí và đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với cơ quan công quyền. Một số quốc gia quy định hạn chế sử dụng hình ảnh của bị can, của nghi phạm trong các vụ án hình sự bởi họ chưa có tội, họ là người bị buộc tội nên có thể quyền lợi bị xâm phạm. Theo đó quốc gia quy định sử dụng hình ảnh của bị can phải là hình họa hoặc chụp từ phía sau. Khi bị can chưa có tội thì không được phép tùy tiện sử dụng hình ảnh của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, hình ảnh của cơ quan tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng khác thì việc sử dụng hình ảnh tại phiên tòa là hợp pháp và được thừa nhận rộng rãi.
Nếu luật quy định trao quyền quyết định về việc các cơ quan truyền thông có được phép ghi âm ghi hình tại phiên tòa hay không, có được phép chụp ảnh hay không cho chủ tọa phiên tòa mà không có quy định những trường hợp nào được phép từ chối và hậu quả pháp lý của việc này thì có thể dẫn đến lạm quyền, tùy tiện trong việc quyết định hoạt động của các cơ quan truyền thông cũng như quyết định quyền tiếp cận thông tin, quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.
Trong một xã hội công bằng, dân chủ thì vấn đề công khai minh bạch phải được đưa lên hàng đầu. Hoạt động giám sát cần phải được đảm bảo. Trong hoạt động tố tụng thì khi đã xét xử công khai thì quyền tiếp cận thông tin phải được đảm bảo một cách tối đa, hoạt động giám sát trực tiếp của nhân dân phải được đảm bảo và đặc biệt là thông qua hoạt động của các cơ quan báo chí mà việc tiếp cận thông tin, thực hiện quyền giám sát trực tiếp của nhân dân đối với hoạt động tư pháp sẽ được tốt hơn.
Khi tòa án xét xử khách quan, công bằng, đúng pháp luật thì việc công khai diễn biến phiên tòa, hoạt động ghi âm ghi hình của các cơ quan truyền thông sẽ thể hiện đầy đủ nhất quyền tư pháp, công khai việc thực hiện quyền tư pháp, nâng cao vị thế uy tín của tòa án trước nhân dân. Thông qua hoạt động truyền thông, tiếp cận công khai thông tin xét xử sẽ là một hình thức tuyên truyền pháp luật rất trực quan, hiệu quả và thiết thực góp phần nâng cao trình độ nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của công dân đảm bảo dân chủ công khai công bằng và tiến bộ xã hội.
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Thu nhập của cán bộ, công chức sẽ không bị thấp hơn khi cải cách tiền lương