Ảnh minh họa.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Góp ý tại phiên thảo luận dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (Đoàn Thừa Thiên - Huế) cho biết, những lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là những lĩnh vực áp dụng chữ ký điện tử nhiều.
Theo đó, đại biểu hy vọng Luật sửa đổi lần này có quy định về chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài. Vì khi công nhận được những chữ ký giao dịch điện tử nước ngoài thì sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tăng cao hiệu quả hoạt động.
Tán thành với đề nghị này, đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, quy định như dự thảo Luật có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, đại biểu cho hay, cần cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận về việc sử dụng các loại chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử. Bởi, tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên giao dịch thương mại có đặc điểm là tôn trọng tối đa quyền tự do lựa chọn của các bên, pháp luật chỉ can thiệp khi trái với quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.
Do vậy, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị các cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng như sau: Cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự thỏa thuận về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài. Trong trường hợp đó chữ ký điện tử nước ngoài vẫn có giá trị xác nhận giao dịch giữa các bên. Việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài trong các hợp đồng thương mại cho mục đích giao dịch với các cơ quan Nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy định và công nhận chữ ký điện tử ở trên.
Cũng liên quan đến vấn đề chữ ký điện tử, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) lại đề nghị bổ sung quy định rõ ràng về các cấp độ an toàn của chữ ký điện tử và các khái niệm, điều kiện của từng loại chữ ký, các trường hợp sử dụng các loại chữ ký điện tử tương ứng.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị bổ sung đầy đủ các loại hình xác nhận điện tử đang được sử dụng phổ biến trong thực tế, quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo từng cấp độ; bổ sung quy định về các loại công nghệ mới được sử dụng trong định danh nhân thân.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xác thực, định danh điện tử theo hướng áp dụng 03 yêu cầu đảm bảo đối với định danh điện tử, bao gồm: Cơ bản; Tiên tiến và Cao, đảm bảo ba mức độ này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của quốc tế.
TRẦN QUÝ
Bộ Nội vụ chỉ ra một số trường hợp tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng