Ô tô được lực lượng chức năng niêm phong trên xe cứu hộ. Ảnh: dantri.
Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Quản lý đường sông 3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà, nguyên Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Đặc biệt, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng khám xét nhà ông Phạm Hồng Hà, thu thập các tài liệu và 4 ô tô để phục vụ công tác điều tra những sai phạm khi ông này còn làm Chủ tịch UBND TP. Hạ Long.
Trước sự việc trên, nhiều người đã đặt ra câu hỏi căn cứ nào để thực hiện tạm giữ tài sản của các đối tượng đang bị điều tra, khởi tố?
Về vấn đề này, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, Điều 198 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về tạm giữ tài liệu, đồ vật khi khám xét như sau:
“Điều 198. Tạm giữ tài liệu, đồ vật khi khám xét
1. Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ sở hữu đồ vật, người quản lý đồ vật, người chứng kiến, đại diện gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét.
2. Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật khi tiến hành khám xét được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một bản giao cho người chủ tài liệu, đồ vật hoặc người quản lý tài liệu, đồ vật, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý tài liệu, đồ vật bị tạm giữ”.
Theo đó, một đồ vật là vật chứng và có liên quan trực tiếp đến vụ án sẽ bị Điều tra viên tạm giữ khi khám xét, tiến hành điều tra. Đây phải là những tài liệu, đồ vật có giá trị chứng minh, giải quyết vụ án và liên quan đến người phạm tội (có thể người phạm tội là chủ sở hữu hoặc không).
Việc tạm giữ tài sản này phải đảm bảo những nguyên tắc nào?
Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đưa ra định nghĩa của vật chứng là: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Như vậy, việc tạm giữ tài liệu đồ vật phải có liên quan đến vụ án, theo trình tự thủ tục luật định. Việc thu thập, tạm giữ vật chứng phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“Điều 105. Thu thập vật chứng
Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật. Nếu quá trình điều tra mà có căn cứ xác định tài sản không liên quan đến tội phạm thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu, trừ trường hợp tài sản đó là của người phạm tội, cần phải tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Đối với những chiếc xe sang thu giữ tại nhà nguyên Chủ tịch TP. Hạ Long, cơ quan điều tra sẽ tiến hành bảo quản, quản lý theo quy định của pháp luật và xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng những chiếc xe này như thế nào, có liên quan đến tội phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp những chiếc xe này không có liên quan đến tội phạm, không phải nguồn gốc do phạm tội mà có cũng không sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội và không phải tài sản thuộc sở hữu của bị can mà là tài sản của người khác thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xác định những chiếc xe này có liên quan đến tội phạm thì có thể tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu huỷ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội”.
PV
Sẽ thanh tra các công ty chứng khoán, kiểm toán có nhiều sai sót