/ Pháp luật - Đời sống
/ Căn cứ pháp lý để khởi kiện khoản vay nợ được xác nhận ở nước ngoài

Căn cứ pháp lý để khởi kiện khoản vay nợ được xác nhận ở nước ngoài

01/08/2023 11:58 |

(LSVN) - Trong một vụ án dân sự, đối với khoản nợ được xác nhận ở nước ngoài cũng là căn cứ pháp lý để Toà án đánh giá trong quá trình khởi kiện ra toà. Văn bản xác nhận nợ, nội dung xác nhận, có giá trị pháp lý đến mức nào thì do Toà án đánh giá trong quá trình giải quyết. Tất cả các văn bản nợ không phải quyết định, bản án của toà nước ngoài, đều là tài liệu mà Toà án Việt Nam phải xem xét, đánh giá lại…

Theo nội dung vụ việc, khoản nợ bắt nguồn từ việc hợp tác xuất nhập khẩu các thiết bị điện tử sang Việt Nam giữa Công ty Apex Electronics Pte Ltd (Công ty Apex) và Công ty TNHH Thương mại Điền An (Công ty Điền An).

Cụ thể, Công ty Apex đã bắt đầu xuất khẩu thiết bị điện tử sang Công ty Điền An tại Việt Nam từ khoảng năm 1990. Trong quá trình này, ông Trang Sở Lương là người đứng ra đại diện Công ty Điền An để làm việc với Công ty Apex. Năm 1997, tình hình kinh tế khó khăn do khủng hoảng tài chính, Công ty Điền An không có khả năng thanh toán số tiền nợ Công ty Apex theo các hợp đồng mua bán hàng hóa. Do đó, ông Trang Sở Lương xin được nợ lại và trả dần vào các năm sau đó.

Năm 2002, ông Trang Sở Lương đến Singapore để ký một văn bản trước ông Jamshid K. Medora, Thẩm phán Tòa Hòa giải tại Singapore xác nhận đang nợ Công ty Apex số tiền gần 3,6 triệu USD. 

 

Giấy xác nhận nợ được ông Trang Sở Lương xác lập tại Singapore.

Thời gian sau đó, ông Trang Sở Lương đã nhiều lần chuyển tiền cho Công ty Apex để thanh toán số nợ trên, mỗi lần chuyển khoản từ 2.000 – 10.000 USD. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, ông Trang Sở Lương không tiếp tục thanh toán khoản nợ này nữa.

Đại diện Công ty Apex thông tin, hiện tại số tiền mà ông Trang Sở Lương chưa thanh toán cho công ty này là 2.341.783,61 USD. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Công ty Apex đang chuẩn bị hồ sơ, khởi kiện ông Trang Sở Lương cùng những doanh nghiệp liên quan ra tòa.

Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP. HCM), giữa ông Trang Sở Lương và Công ty Apex có một văn bản liên quan đến nợ do Thẩm phán Tòa Hòa giải tại Singapore xác lập. Trường hợp văn bản này là “xác nhận chứng thực” thì phía Công ty Apex có thể khởi kiện và có thể khởi kiện tại Việt Nam theo quy định tại Điều 465 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. 

Xác nhận nợ ở nước ngoài cũng có giá trị. Nội dung xác nhận nợ cần dịch ra tiếng Việt. Văn bản xác nhận nợ, nội dung xác nhận, có giá trị pháp lý đến mức nào thì do Toà án đánh giá trong quá trình giải quyết nếu khởi kiện ra toà. Tất cả các văn bản nợ không phải quyết định, bản án của Toà nước ngoài, đều là tài liệu mà Toà án Việt Nam phải xem xét, đánh giá lại.

Một điểm cần lưu ý là các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài cần phải dịch thuật ra tiếng Việt và do cơ quan có chức năng dịch, chứng thực giấy tờ về bị đơn là công dân Việt Nam và đang cư trú tại Việt Nam. 

Điều 465, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ tố tụng của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Nhà nước nước ngoài như sau:

"1. Người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam có quyền khởi kiện đến Tòa án Việt Nam để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm hoặc có tranh chấp.

Chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài theo ủy quyền có quyền khởi kiện đến Tòa án Việt Nam để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức nước ngoài ủy quyền bị xâm phạm hoặc có tranh chấp.

2. Khi tham gia tố tụng dân sự, người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Nhà nước nước ngoài có quyền, nghĩa vụ tố tụng như công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam.

3. Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại để hạn chế quyền tố tụng dân sự tương ứng của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài mà Tòa án của nước đó đã hạn chế quyền tố tụng dân sự đối với công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam, chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ngoài của cơ quan, tổ chức Việt Nam".

PV

Bùi Thị Thanh Loan