/ Pháp luật - Đời sống
/ Cần đánh giá kỹ nhiều nội dung trong dự án 01 luật sửa 07 luật

Cần đánh giá kỹ nhiều nội dung trong dự án 01 luật sửa 07 luật

29/10/2024 19:16 |

(LSVN) - Ngày 29/10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án 01 luật sửa 07 luật. Cơ bản nhất trí sửa đổi các quy định trong dự án Luật song Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ về sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác hay bổ sung một số trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế...

Theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (01 luật sửa 07 luật).

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đã ký Tờ trình số 678/TTr-CP gửi Quốc hội về dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tiếp đó, thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các dự án Luật với lý do như đã nêu tại tờ trình để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực Nhà nước, ngoài Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, về Luật Chứng khoán, với hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí bổ sung thao túng thị trường chứng khoán là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 của luật hiện hành. Quy định này thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 211 của Bộ Luật Hình sự.

Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị cần rà soát, bổ sung quy định các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán khi được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền, tránh trường hợp quy định tại luật các dấu hiệu về hành vi bị nghiêm cấm có tính chất tương đồng với các hoạt động nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán, các thành viên thị trường, nhà đầu tư khi tham gia thị trường.

Liên quan đến Luật Kiểm toán độc lập, về những người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị rà soát quy định về những người phải ngừng hành nghề kiểm toán tại khoản 2 Điều này như: người đang bị cấm hành nghề kiểm toán theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người có tiền án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên... Đồng thời, làm rõ việc ngừng hành nghề kiểm toán hoàn toàn hay ngừng có thời hạn. Ngoài ra, quy định bổ sung khoản 2 Điều 16 những người phải ngừng hành nghề kiểm toán như đề xuất vẫn chưa bao quát đầy đủ các trường hợp.

Về quy định liên quan thay đổi kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán, cơ quan thẩm tra cho rằng để tạo sự linh hoạt và quy định phù hợp với thực tiễn, đặc thù của các ngành, lĩnh vực khác nhau, đề nghị cân nhắc bổ sung theo hướng kiểm toán viên hành nghề phải có thời gian tạm dừng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính sau 05 năm liên tục ký báo cáo kiểm toán của một đơn vị kiểm toán.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước về việc bổ sung quy định các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về ngân sách Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trường hợp Chính phủ nhận thấy cần rút ngắn quy trình trình Quốc hội thì cần đề xuất phương án giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền xem xét, bổ sung danh mục trong thời gian giữa hai kỳ họp đồng thời với việc phân bổ vốn ngân sách Nhà nước cho các dự án mới và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Về chính sách sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ cơ quan cấp trên đóng trên địa bàn hoặc địa phương khác, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cần bổ sung thêm điều kiện là các địa phương khi hỗ trợ phải bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách địa phương; không làm ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn thuộc trách nhiệm của địa phương.

Về bổ sung điểm d khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước về chính sách sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ cơ quan cấp trên đóng trên địa bàn hoặc địa phương khác, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí việc cho phép sử dụng vốn đầu tư của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trên địa bàn, hỗ trợ địa phương khác cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có tính chất vùng, liên vùng và công trình hạ tầng quan trọng khác.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế về quản lý thuế đối với thương mại điện tử, tại khoản 4 Điều 42 theo hướng bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hoặc trên cơ sở nền tảng số, thay vào đó sử dụng cụm từ “ở nước ngoài”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách không nhất trí với đề xuất sửa đổi này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng khái niệm “cơ sở thường trú” đã được thống nhất sử dụng trong các Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần để xác định quyền tài phán về thuế giữa các quốc gia. Khái niệm này là cơ sở để xác định một đối tượng nộp thuế trong nước, phải thực hiện các quy định đăng ký kinh doanh và nộp các loại thuế trong nước.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế về hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp xuất cảnh, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần đánh giá kỹ hơn về tác động của việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này trên thực tế để cân nhắc phương án quy định phù hợp, bảo đảm hiệu quả cưỡng chế và tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết hoặc chưa nên sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay.

Tại khoản 7 Điều 1 dự án Luật, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66 theo hướng bổ sung một số trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, đó là: cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cá nhân là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong trường hợp nhất thiết cần sửa nội dung này, đề nghị Chính phủ trên cơ sở đánh giá việc thực hiện thời gian qua, cân nhắc bổ sung quy định về mức ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh một cách phù hợp.

Về đề nghị bổ sung quy định cho phép xuất hàng dự trữ quốc gia để phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí bổ sung quy định về việc cho phép xuất hàng dự trữ quốc gia để phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước vào Luật Dự trữ quốc gia. Việc bổ sung nội dung này ở các Điều 3, khoản 1, Khoản 2 Điều 35 Luật Dự trữ quốc gia là phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện...

VŨ QUÝ (t/h)

Các tin khác