Để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, các cơ quan chức năng cần phổ biến tuyên truyền sâu trong nhân dân các văn bản quy phạm pháp luật; các chỉ thị, thông báo chỉ đạo về tăng cường công tác xử lý vi phạm về giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng rà soát nội dung chỉ đạo để phát hiện và khắc phục ngay thiếu sót trong nội dung văn bản điều hành để đảm bảo yêu cầu cấp bách, cần thiết của cá nhân, doanh nghiệp, bổ trợ hoạt động cho các ngân hàng, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bổ sung các tổ chức hành nghề Luật sư, công chứng được phép hoạt động, rà soát những thiếu sót vi phạm trong quá trình thực hiện (nếu có) để đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và luật định.
Tổ chức hành nghề Luật sư được hoạt động trong thời gian giãn cách
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, sau đó Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 hướng dẫn về thực hiện Chỉ thị số16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Tại mục 2 Công văn có nêu: “…các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, Luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm..)được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch”.
Tại Công văn số 1221/BTP-PLHSHC ngày 03/4/2020 của Bộ Tư pháp có đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng, Luật sư được tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, một số UBND tỉnh, thành phố đã ban hành Công điện, thông báo chỉ đạo về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, trong thời gian giãn cách, các tổ chức hành nghề Luật sư, công chứng không thuộc đối tượng được hoạt động, nên Luật sư không thuộc nhóm đối tượng được phép di chuyển trên đường.
Các công điện, thông báo chỉ đạo đã thiếu thành phần các chủ thể thực hiện dịch vụ thiết yếu bổ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý cho người dân đã được quy định tại khoản 2, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chi thị số 16/CT-TTg về phòng chống dịch Covid-19 như đã nêu trên.
Nội dung thông báo, chỉ thị của các tỉnh thành như vậy dẫn đến việc các Luật sư không thực hiện được trách nhiệm tham gia tố tụng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, không thể tham gia bào chữa tại các phiên tòa; đặc biệt là không thể tham gia hỏi cung bị can yêu cầu của Cơ quan điều tra. Trong khi đó theo luật và thực tiễn cuộc sống, tiến trình buộc tội, hoạt động tố tụng hình sự và nhu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, tổ chức doanh nghiệp là thiết yếu không thể ngừng nghỉ, không thể thiếu vắng vai trò của Luật sư.
Thực tế Luật sư không hoạt động, không được di chuyển ngay trong địa phương bởi các công điện, công văn chỉ đạo của chính quyền sở tại. Chính vì vậy, một số Đoàn Luật sư, Sở Tư pháp đã có Văn bản kiến nghị UBND các cấp xem xét bổ sung bố sung tổ chức Luật sư, công chứng thuộc đối tượng được hoạt động, được phép di chuyển trong thời gian giãn cách xã hội vào các nội dung công điện, công văn của UBND các cấp để áp dụng thống nhất.
Chẳng hạn như tại Khánh Hòa, tháng 7, 8/2021,Cơ quan điều tra Công an tỉnh yêu cầu Đoàn Luật sư phân công tổ chức hành nghề Luật sư về việc cử Luật sư bào chữa theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Thế nhưng theo các công văn chỉ đạo của địa phương thì Tổ chức Luật sư không được hoạt động, nên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư không thể phân công Luật sư bào chữa theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.
Ngày 26/8/2021, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và UBND thành phố Nha Trang chỉ đạo, điều chỉnh bổ sung đối tượng được hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội là Đoàn Luật sư,Tổ chức hành nghề Luật sư, các Luật sư thành viên theo đúng theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để các Luật sư thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án mà Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Luật sư đã quy định.
Tại Bình Thuận, ngày 31/8/2021, Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho phép các tổ chức hành nghề Luật sư, công chứng thừa phát lại, bán đấu giá thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở Tư pháp được lưu thông qua các chốt kiểm soát theo Mẫu thẻ thông hành của tổ chức đã sử dụng hoặc có thể xuất trình thêm các giấy tờ chứng minh đang công tác tại các tổ chức nêu trên.
Tại tỉnh Đồng Nai, theo Văn bản số 10569/UBND-KGVX về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong công tác phòng chống dịch Covid-19 do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành ngày 31/8/2021, có hiệu lực bắt đầu từ 00 giờ 00 ngày 01/9/2021 đến hết ngày 15/9/2021, các Luật sư không thuộc nhóm đối tượng được phép di chuyển trên đường. Trong khi đó các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng theo luật bắt buộc phải có Luật sư tham gia.
Ngày 01/9/2021, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh và các ban ngành liên quan xem xét, bổ sung Luật sư thuộc đối tượng được phép di chuyển trong thời gian giãn cách xã hội vào nội dung Văn bản số 10569/UBND-KGVX ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh và cho phép thực hiện việc cấp giấy đi đường đối với Luật sư theo quy định.
Các công điện, thông báo chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đang có hiệu lực thi hành trong tình hình phòng chống, dịch bệnh. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét khắc phục thiếu sót trong các văn bản chỉ đạo để các tổ chức hành nghề Luật sư, công chứng được tiếp tục hoạt động theo quy định của luật và thực hiện đúng Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Luật sư HỒNG HÀ
Cần Thơ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho các Luật sư