Mới đây, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã phối hợp với Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học "Hai năm thực hiện EVFTA: Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam".
Hội thảo diễn ra 2 phiên: Phiên 1 - "Bức tranh tổng quan về thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp sau 2 năm thực thi EVFTA"; Phiên 2 - "Thực thi EVFTA ở cấp độ địa phương, quan hệ kinh tế song phương và những vấn đề xã hội".
Tại hội thảo, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Đây là một trong số ít Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam ký kết và thực hiện với phạm vi cam kết rộng, tiến độ thực hiện nhanh, cụ thể là tỉ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Hiệp định này được thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine…
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số cơ quan hữu quan, việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong EVFTA của Việt Nam vẫn còn một số khía cạnh chưa được như kỳ vọng. Do đó, hội thảo nhằm tổng kết, nghiên cứu và đánh giá những tác động sau hai năm thực hiện Hiệp định đối với Việt Nam, nhận diện những tồn tại và bài học rút ra trong việc thực hiện các cam kết trong EVFTA; đồng thời đề xuất những khuyến nghị để thực thi có hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Đánh giá tác động của EVFTA đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, sau 2 năm thực hiện, nhiều cam kết của Hiệp định đã được triển khai trên thực tế. Cụ thể, thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57 tỉ USD trong năm 2021, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022 thương mại hai chiều đạt 31,7 tỉ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu chỉ rõ, xu hướng đầu tư của một số quốc gia thuộc EU và Việt Nam tăng nhanh, như Hà Lan tăng 26%, Đan Mạch tăng 240%, Thuỵ Điển tăng 63%, Ai Len tăng 263%, Bỉ tăng 284%...
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn đó những thách thức về khả năng tận dụng các ưu đãi trong cam kết mở cửa thị trường của EU, về gia tăng lừa đảo thương mại trong môi trường kinh tế số, về các biện pháp phòng vệ thương mại EU áp đặt đối với Việt Nam cũng như môi trường an ninh thế giới đang có những biến động khó lường.
Có thể thấy, EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các quốc gia EU. Việc tăng cường nhập khẩu thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại góp phần giúp cho hàng hóa sản xuất trong nước đạt được tiêu chuẩn cao hơn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để có thể tiếp nhận công nghệ tiên tiến, cải thiện chất lượng sản phẩm, tránh để mất lợi thế ở ngay cả các lĩnh vực có tính cạnh tranh của Việt Nam.
Phân tích tác động của EVFTA đối với quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, Tiến sĩ, Luật gia, Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu cho rằng, hơn hai thập kỷ qua, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, vì thế hai bên hiểu rất rõ về tiềm năng và thế mạnh của nhau. EVFTA đang trong quá trình triển khai tiếp tục mang lại lợi thế cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Tuy nhiên trong quá trình này, Việt Nam cũng gặp những thách thức do: Trình độ phát triển về khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực còn thấp hơn Cộng hòa Séc; những tiêu chuẩn về môi trường kinh doanh và đầu tư còn có những khác biệt so với tiêu chuẩn của Cộng hòa Séc và các nước thành viên EU. Mặc dù vậy, việc khắc phục những rào cản này sẽ đem lại cho Việt Nam những kinh nghiệm mới để tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương đánh giá, dù gặp nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã được chuẩn bị từ khá sớm việc tuyên truyền cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp đến quá trình mà Bộ Công thương đàm phán hiệp định. Qua 2 năm thực thi, việc tận dụng hiệp định này cho thấy tỉ lệ tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt trên 14%.
Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến gia tăng lừa đảo thương mại trên môi trường số. Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển; các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp.
Gần đây, mặc dù các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo, hiện tượng doanh nghiệp ta bị lừa đảo hoặc vướng vào tranh chấp có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp ta mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kĩ về các đối tác đó, cần có thông tin trao đổi trước khi kí hợp đồng, không để gian lận thương mại xảy ra bởi rất khó tháo gỡ khi đã bị lừa.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung như: quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên; kinh nghiệm thực thi của các ngành, địa phương hay những vấn đề xã hội phát sinh; đề xuất giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích từ EVFTA trong thời gian tới...
PV (t/h)