/ Pháp luật - Đời sống
/ Cần làm rõ các quy định về Luật Phí và lệ phí

Cần làm rõ các quy định về Luật Phí và lệ phí

25/05/2023 11:13 |

(LSVN) - Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số nội dung theo dự thào cần sự rõ ràng và chi tiết hơn để các đơn vị, địa phương triển khai được thuận lợi, dễ dàng và thống nhất trong thực hiện.

Ảnh minh hoạ. 

Theo VCCI, về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí: Dự thảo quy định về đồng tiền thu nộp phí, lệ phí, trong đó hướng dẫn xác định tỷ giá khi quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam trong trường hợp thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu phí, lệ phí. Đồng thời, người nộp phí, lệ phí có thể nộp thông qua “tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, nội dung này đang chưa rõ cho trường hợp nếu nộp phí, lệ phí bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thông qua “tổ chức dịch vụ” thì xác định tỷ giá như thế nào. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét và quy định rõ ràng hơn với trường hợp này để đảm bảo sự thống nhất trong các quy định.

Về việc xác định tỷ lệ để lại và quản lý, sử dụng phí, dự thảo đã đưa ra hai phương án điều chỉnh về cơ chế tài chính đặc thù. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên như quy định hiện hành, cho phép cơ quan áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù được áp dụng cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Phương án 2 là bãi bỏ các nội dung chi liên quan đến chi tiền lương và chi đầu tư từ tiền phí để lại; bỏ khoản 3 quy định về chi cơ quan nhà nước áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù theo quy định riêng của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ

Theo VCCI, lựa chọn theo phương án 1 là hợp lý, bởi vì tạo sự tự chủ kinh phí, phù hợp với tính chất đặc thù của các cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, trong phương án 1, việc bổ sung thêm cụm từ “cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương” cần được xem xét lại. Vì lý do, dù quy định này về mục tiêu chính sách là phù hợp, nhưng lại chưa đảm bảo về tính minh bạch. Vì không thể xác định chính xác thời điểm nào được cho là thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương. Mặt khác, đến thời điểm thực hiện cải cách tiền lương thì tổ chức thu phí có được phép chi các khoản theo quy định tại khoản 2 Điều 5 nữa không? Khoản chi nào được phép, khoản chi nào không được phép?

Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi khi thực hiện, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ cụm từ “cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương”. Tại thời điểm thực hiện cải cách tiền tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi quy định vấn đề về cơ chế tự chủ tài chính của các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công.

PV

Thời hạn giải quyết cấp tài khoản định danh điện tử

Nguyễn Mỹ Linh