/ Tư vấn
/ Cần làm rõ các vấn đề pháp lý trong nghi án hàng chục tỉ đồng vốn Nhà nước tại CFC có nguy cơ biến mất

Cần làm rõ các vấn đề pháp lý trong nghi án hàng chục tỉ đồng vốn Nhà nước tại CFC có nguy cơ biến mất

09/04/2022 13:40 |

(LSVN) - Cục Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản gửi Tổng Công ty Xi măng Việt Nam yêu cầu có thông tin, tài liệu cung cấp cho Cục về dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến việc cho vay vốn tại Công ty CP Tài chính Xi măng (CFC).

CFC trước khi chuyển thành Công ty CP tài chính Tín Việt thì có một thời gian dài kinh doanh thua lỗ, xảy ra nhiều rủi ro tài chính...

Thương vụ cho vay tiền siêu tốc

Tháng 5/2008, CFC được thành lập với vốn điều lệ 300 tỉ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) là cổ đông sáng lập góp 120 tỉ đồng (40% vốn điều lệ).

Đến năm 2010, CFC tăng vốn lên xấp xỉ 605 tỉ đồng, VICEM cũng góp vốn tăng lên 240 tỉ đồng. Theo giấy phép thành lập và hoạt động thì CFC được  phép: Huy động vốn; cho vay; cấp tín dụng; mở tài khoản…

Năm 2009, Công ty CP Med Aid Công Minh thành lập. CFC cũng tham gia góp vốn 2,15 tỉ đồng và là cổ đông sáng lập của Công ty CP Med Aid Công Minh.

Ngày 31/8/2010, CFC ký hợp đồng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỉ đồng. Cụ thể, theo Hợp đồng hạn mức tín dụng số 24/2010/TDH/CFC-MCM thì CFC cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỉ đồng.

Mục đích vay của Công ty CP Med Aid Công Minh là để thực hiện dự án Trung tâm ung bướu và y khoa hạt nhân - Bệnh viện nhân dân 115, TP. Hồ Chí Minh. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty CP Med Aid Công Minh là buôn bán trang thiết bị y tế…

Tại mục “Căn cứ” cho vay trong Hợp đồng hạn mức tín dụng số 24/2010/TDH/CFC-MCM nêu rõ: Ngày 31/8/2010 Công ty CP Med Aid Công Minh có giấy đề nghị vay vốn và giấy đề nghị cấp bảo lãnh.

Cũng chỉ trong ngày 31/8/2010 ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc CFC (thời điểm đó) đã có thể ký hợp đồng tín dụng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỉ đồng.

Kỳ lạ hơn nữa khi ngày 31/8/2010 Công ty CP Med Aid Công Minh mới có đơn đề nghị CFC cho vay vốn, nhưng trước đó một ngày (30/8/2010), ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc CFC đã phê duyệt “báo cáo thẩm định vốn vay” cho khoản vay 80 tỉ đồng của Công ty CP Med Aid Công Minh?!

Kỳ lạ là khi số tiền 80 tỉ đồng của CFC được giải ngân vào tài khoản Công ty CP Med Aid Công Minh thì cũng xảy ra ngay việc “lột xác lãnh đạo” tại Công ty CP Med Aid Công Minh.

Cụ thể, ông Vũ Trung Thuận về giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Med Aid Công Minh, ông Nguyễn Văn Đông (những người này được dư luận cho là có quan hệ với ông Bùi Hồng Minh) về giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Med Aid Công Minh?!

Mất vốn, ai phải chịu trách nhiệm?

Công ty CP Med Aid Công Minh dù nhận được 80 tỉ đồng tiền vay của CFC một cách nhanh chóng nhưng kinh doanh liên tục thua lỗ.

CFC không thu được đồng tiền nào từ việc chia cổ tức (do góp vốn thành lập Công ty CP Med Aid Công Minh) mà ngay cả khoản cho vay  80 tỉ đồng CFC cũng khó thu hồi khi Công ty CP Med Aid Công Minh nhiều năm liền không trả được tiền gốc và lãi vay.

Đến cuối năm 2015, khoản nợ của Công ty CP Med Aid Công Minh đã lên tới gần 94 tỉ đồng và bị liệt vào nhóm “nợ xấu”.

Sau đó, CFC bán khoản nợ này cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam với giá 80 tỉ đồng (CFC thiệt hại gần 14 tỉ đồng).

Tuy nhiên, theo Hợp đồng mua bán nợ giữa CFC (bên bán) và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (bên mua) thì CFC không nhận được 80 tỉ đồng tiền mặt mà chỉ nhận được trái phiếu (tương ứng 80 tỉ đồng) của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Trong hợp đồng này còn có điều khoản bất lợi cho CFC ở chỗ “CFC trả lại trái phiếu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nhận lại khoản nợ trên trong trường hợp Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng”.

Được biết, tới nay Công ty CP Med Aid Công Minh vẫn chưa trả được khoản nợ nêu trên và thực tế đây vẫn là “khoản nợ khó đòi” mà CFC luôn phải sẵn sàng nhận lại.

Một nghi vấn khác cần được làm rõ về dấu hiệu lợi ích nhóm đó là việc trụ sở của Công ty CP Med Aid Công Minh lại được đăng kí ở căn nhà thuộc sở hữu của ông BHM ngõ 10A Nguyễn Thị Định, Nhân Chính, Hà Nội.

Được biết, ngày 20/4/2010, CFC ký hợp đồng tiền gửi liên ngân hàng với Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy với số tiền 50 tỉ đồng.

CFC nhận cầm cố bằng tài sản có tính rủi ro cao là 200 tỉ đồng mệnh giá trái phiếu Vinashin. Qua nhiều lần gia hạn nợ, Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ vẫn không có khả năng trả nợ cho CFC. Số nợ quá hạn cả gốc và lãi là gần 96 tỉ đồng.

CFC đã buộc phải xử lý tài sản bảo đảm là 200 tỉ trái phiếu Vinashin, chuyển tên sở hữu cho CFC với giá trị cấn trừ 19,1 tỉ đồng. Số trái phiếu này đã đến hạn thanh toán nhưng Vinashin không có khả năng trả nợ.

Trong thương vụ này, số tiền mà CFC chưa thu hồi trên sổ sách là hơn 78 tỉ đồng.

Hiện, toàn bộ giá trị “trái phiếu” này hầu như không thể thu hồi, có nguy cơ mất vốn cho CFC.

Ngoài ra, cùng thời điểm này, CFC tiếp tục đầu tư, mua trái phiếu Vinashin với tổng mệnh giá là 134,0 tỉ đồng, với giá mua là 80,62 tỉ đồng. Do Vinashin không có khả năng trả nợ nên Chính phủ cho xóa nợ 70% và hoán đổi thành 40,2 tỉ đồng trái phiếu DATC. Thiệt hại mất vốn trong thương vụ này là 40,42 tỉ đồng.

Một vụ việc khác là ngày 14/12/2009, CFC ký hợp đồng tiền gửi với Công ty cho thuê Tài chính 1 - Ngân hàng Nông nghiệp, hạn mức tiền gửi liên ngân hàng 120 tỉ đồng, không có tài sản bảo đảm. Năm 2010 Công ty cho thuê Tài chính 1 - Ngân hàng Nông nghiệp gặp khó khăn, sau nhiều lần CFC gia hạn nhưng  ALC1 vẫn không có khả năng trả nợ.

Đến 31/12/2010, Công ty cho thuê Tài chính 1 - Ngân hàng Nông Nghiệp còn nợ CFC 95 tỉ đồng gốc và 9,38 tỉ đồng tiền lãi, tổng nợ là 103,38 tỉ đồng. CFC dã phải thu nợ Công ty cho thuê Tài chính 1 - Ngân hàng Nông nghiệp bằng việc cấn trừ tài sản là 05 con tàu (hiện 02 con tàu đang đầu tư dở dang) của các khách hàng thuê tài chính của Công ty cho thuê Tài chính 1 - Ngân hàng Nông nghiệp.

Việc khai thác các con tàu này không hiệu quả, không đủ bù chi phí khấu hao, gây khó khăn và tổn thất lớn cho CFC.

Cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc

Liên quan đến vụ việc này, Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ vừa có Văn bản số 82/C.IV-P2 do ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng ký gửi Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đề nghị có văn bản cung cấp thông tin, tài liệu cho Cục về dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến việc cho vay vốn CFC.

Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 857/BXD- VP yêu cầu VCEM kiểm tra làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc mất vốn Nhà nước tại CFC.

Mới đây, tại Văn bản số 462/VICEM- HĐTV của Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam gửi báo cáo Bộ Xây dựng thừa nhận các nội dung mà cơ quan báo chí phản ánh trước đó là đúng, có căn cứ.

Được biết, Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của CFC giai đoạn từ khi thành lập (29/5/2008) đến 01/9/2011 là ông Bùi Hồng Minh. 

Dư luận mong muốn cơ quan bảo vệ pháp luật cần nhanh chóng làm rõ vụ việc và có thông tin công khai trước công luận, xử lý nghiêm khắc nếu làm rõ lợi ích nhóm và có vi phạm pháp luật xảy ra tại CFC.

PV

Bộ Công an đề nghị 08 ngân hàng phối hợp, cung cấp hồ sơ liên quan vụ án tại FLC

Lê Minh Hoàng