Theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội dự kiến đầu tư tổng kinh phí 14.029 tỉ đồng cho 579 di tích cần tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, việc tu bổ, tôn tạo di tích là một trong ba lĩnh vực thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư lớn ở giai đoạn 2021 - 2025.
Thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai bởi việc tu bổ, tôn tạo di tích không đơn thuần là một công trình xây dựng mà nó hàm chứa yếu tố văn hóa, tâm linh nên cần thận trọng. Chính vì vậy, sự thống nhất chung, thường xuyên kiểm tra, giám sát, khắc phục sai phạm (nếu có) trong quá trình triển khai, thực hiện luôn được đặt lên hàng đầu.
Đặc biệt, công tác đấu thầu luôn được thành phố quan tâm chú trọng, bởi khi chọn được những nhà thầu uy tín, đủ năng lực sẽ hoàn thành tiến độ công trình và chất lượng luôn được đảm bảo.
Liên quan đến công tác đấu thầu, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XV, đưa ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, đấu thầu nếu không được quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. Vì vậy, cần giám sát chặt chẽ, có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến bộ ngành quản lý,…
Để khắc phục những tồn tại, đại biểu Quốc hội cho rằng, đối với những người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần phải xem xét kỹ lưỡng căn cứ trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu khi đưa ra quyết định vì không ai khác người có thẩm quyền và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm pháp luật về quyết định của mình.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tính công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu để người dân và các cơ quan thông tin, báo chí có thể tham gia theo dõi, giám sát để phát hiện vi phạm, sai sót về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trái quy định.
Liên quan đến gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích đình Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tại huyện Thạch Thất, ngày 16/6/2023, ông Nguyễn Xuân Sinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất đã ký Quyết định số 360 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 4: Thi công xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Yên Lạc xã cần Kiệm; đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Minh Trí - Gia Hưng; giá trúng thầu là 24.992.118.000 đồng.
Quyết định số 360 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 4: Thi công xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Yên Lạc xã Cần Kiệm.
Gói thầu này được thực hiện 400 ngày, kết quả mở thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia đấu thầu và trúng thầu là liên danh 2 đơn vị nêu trên.
Tuy nhiên, theo phản ánh, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Minh Trí, Công ty CP Đầu tư xây dựng Gia Hưng có dấu hiệu chưa đảm bảo hồ sơ dự thầu, hợp đồng tương tự, nhưng vẫn trúng thầu. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư xây dựng Gia Hưng chưa từng tham gia đấu thầu qua mạng mà chủ yếu thi công loại công trình dân dụng nên chưa có hợp đồng tương tự về loại công trình thi công tu bổ di tích này; Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Minh Trí cũng chủ yếu thi công loại công trình dân dụng.
Theo tìm hiểu, tại Quyết định 9969/QĐ-UBND huyện Ba Vì ngày 16/11/2022, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Minh Trí cùng liên danh Công ty TNHH Thương mại Việt Giang có trúng thầu 1 gói thầu số 07, toàn bộ phần xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích đình Cam Đà, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, gói thầu này có thời gian thực hiện hợp đồng 300 ngày. Hiện nay, dự án này vẫn đang trong thời gian thi công nên không thể lấy công trình này là công trình tương tự.
Trước những dấu hiệu bất thường tại dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Yên Lạc, bà Lê Thị Nguyệt Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất và bà Nguyễn Thị Ngân, Cán bộ phụ trách mảng đấu thầu dự án đều cho rằng, dự án được đấu thầu công khai trên mạng, nhà thầu đều đủ năng lực kinh nghiệm và có đầy đủ hợp đồng tương tự. Để chứng minh, bà Nguyệt Anh và bà Ngân đã cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp cho Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Minh Trí; còn giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Gia Hưng thì không cung cấp được và hướng dẫn "lên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là có".
Đại diện Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất cung cấp thêm thông tin, 2 nhà thầu trên có hợp đồng tương tự về tu bổ, tôn tạo di tích vào năm 2021. Tuy nhiên, dự án nào, được thực hiện tại đâu, thời gian bao lâu thì đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất không cung cấp và nói là “hồ sơ bảo mật”.
Trụ sở Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện huyện Thạch Thất.
Trao đổi với PV Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa,Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: "Pháp luật không quy định việc 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét kỹ về các vấn đề liên quan đến sự việc này, đó là có việc thông đồng giữa các nhà thầu hay không? Có hay không việc các nhà thầu nộp hồ sơ ban đầu, sau đó lại rút hồ sơ để còn lại một nhà thầu duy nhất? Hay việc cơ quan có thẩm quyền có thông báo công khai, rộng rãi để mời thầu hay không?".
Về vấn đề hợp đồng tương tự, theo Luật sư Tùng, tại Mẫu số 03 ban hành kèm Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định về tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thì số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự theo mô tả mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh),…
Theo hướng dẫn trên thì hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện toàn bộ, trong đó công việc xây lắp có các tính chất tương tự với gói thầu đang xét, bao gồm: Tương tự về bản chất và độ phức tạp và tương tự về quy mô công việc,…
Để công tác đấu thầu được hiệu quả, theo Luật sư Hoàng Tùng, cần đề cao vai trò của cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bình đẳng, thực hiện đúng các thủ tục, các quy định pháp luật trong việc mời thầu, lựa chọn nhà thầu để việc đấu thầu đạt hiệu quả đúng như ý nghĩa của hoạt động này.
Bên cạnh việc chú trọng thực hiện đúng các quy định của đơn vị mời thầu thì cần nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về việc đấu thầu để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và lựa chọn được nhà thầu tốt nhất để thực hiện hiện dự án.
Khi phát hiện các gói thầu có dấu hiệu vi phạm cần điều tra, xác minh làm rõ vi phạm để xử lý. Cần có các chế tài xử lý phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm trong quy trình đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.
THẾ NGUYỄN
Loại tiền công đức nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 04?